Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng...
Hỏi: Ngày 1/1/2011 chị H mua một mảnh đất giá rẻ nằm sát bờ sông, phía trước chắn bởi đất nhà ông T, bên phải và phía sau bị vây bọc bởi đất nhà anh N, không hề có lối đi ra đường giao thông chính. Sau khi chuyển đến vào ngày 12/1/2011, chị H đã dựng một xưởng sản xuất mắm tôm trongkhu đất nhà mình, sau đó 2 ngày, chị đến gặp ông T đề nghị ông mở cho một lối đi qua đất nhà ông ra thẳng đường giao thông, chiều dài tính từ cổng nhà chị H đến thẳng đường giao thông là 17m, chiều rộng là 4m để tiện cho ô tô chở hàng ra vào, mức đền bù của chị H cho phần lối đi đó là 25 triệu đồng, ông T chấp nhận đề nghị, hai bên tiến hành kí kết hợp đồng. Ngày 22/12/2015, ông T chuyển nhà, bán lại miếng đất của mình cho ông Đ, sau khi chuyển đến 1 năm, ông Đ xây lại nhà quy mô rất rộng, móng nhà chèn vào lối đi thỏa thuận giữa chị H và ông T 1,5m khiến ô tô hàng của chị H không vào lấy hàng được, việc kinh doanh bị ảnh hưởng, ngay sau đó, chị H có sang gặp ông Đ phản ánh, đề nghị ông Đ rút gọn phần móng nhà đang xây, trả lại nguyên trạng lối đi dài 17m rộng 4m cho chị H có thể tiếp tục thực hiện việc sản xuất, đồng thời chị cũng đưa hợp đồng giữa chị và ông T ra làm căn cứ yêu cầu. Tuy nhiên ông Đ nhất quyết không đồng ý, viện cớ việc sản xuất của chị H gây ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình ông Đ, vì vậy ông Đ cắt bớt chiều ngang của lối đi không cho chị Hạ tiếp tục công việc, bên cạnh đó, ông Đ cũng cho rằng đây là đất nhà mình, ông có quyền rút gọn lối đi chung đó để phục vụ cho việc xây nhà của mình. Hai bên thỏa thuận không được, chị H kiện ông Đ ra tòa, yêu cầu tòa giải quyết. Xin Luật sư hãy giải thích vấn đề trên giúp? (Nguyễn Kim Ngọc Hạnh - Cao Bằng)
Bộ luật dân sự 2005 quy định:
Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề
"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù".
Theo như thông tin bạn cung cấp, trước khi bán lại mảnh đất trên cho Ông Đ thì Ông T và chị T đã cùng thỏa thuận làm một hợp đồng mở một lối đi qua đất nhà Ông T và đã được chị T đền bù 25 triệu theo thỏa thuận, do đó trong trường hợp này chị H có quyền sử dụng lối đi dài 17m rộng 4m trên và Ông Đ chỉ có quyền sử dụng đối với mảnh đất còn lại mà Ông T đã chuyển nhượng cho mình. Đối với việc gia đình chị H xây dựng xưởng sản xuất mắm tôm, việc xây dựng này được Bộ luật Dân sự quy định như sau:
Điều 267. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng
"1. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
2. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hoá chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh".
Trong trường hợp này nhà chị H xây dựng công trình mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, thì chị H phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
Do đó đối với trường hợp này, Chị H vẫn có quyền sử dụng lối đi trên với diện tích như đã thỏa thuận với Ông T, nếu ông Đ vẫn nhất quyết phản đối, chị H có thể yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất tiến hành hòa giải, nếu hòa giải tại cơ sở không thành thì chị H có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất. Tuy nhiên chị H cần xây dựng cơ sở sản xuất của nhà mình theo một vị trí cách mốc giới một khoảng cách hợp lý để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bất động sản liền kề.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận