-->

Tranh chấp đất đai giữa những người thân trong gia đình phải làm gì để đòi lại đất?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở...

Hỏi: Nhà tôi mua một mảnh đất là 1062m2 năm 1988, đến năm 1989 thì chia lại 261m2 cho cô tư tôi, và sau đó chia tiếp 261m2 cho cô sáu tôi, cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà tôi là 350m2, cô tư tôi là 362m2 va cô sáu là 350m2, đến khi cô tư tôi xây nhà thì xây lấn đất sang nhà tôi khoảng 70m2 trong năm 1989. Khi đó do diều kiện kinh tế khó khăn gia đinh tôi chưa xây được nhà. Đến năm 2004 gia đình tôi có làm đơn xin điều chỉnh lại diện tích đất sử dụng cho đúng như lúc nhượng lại năm 1989 là nhà tôi 540m2, cô tư 261m2 và cô sáu là 261m2 và được sự đồng ý ký xác nhận của cô tư và cô sáu tôi để tránh con cháu tranh chấp về sau. Cơ quan nhà nước cấp lại quyền sử dụng đất là nhà tôi 540m2 và 2 cô tôi mỗi người 261m2 vào năm 2013. Đến nay nhà tôi muốn xây nhà và yêu cầu cô tư tôi trả lại phần đất đã lấn chiếm nhưng cô tư không trả. Đề nghị Luật sư tư vấn, gia đình tôi phải làm gì để lấy lại phần đất mà cô tôi lấn chiếm (Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có toạ độ,diện tích....được cơ quan nhà nước cấp năm 2013). (Thanh Hoa - Bắc Ninh)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phùng Thị Huyền - Tổ tư vấn pháp luật đất đai Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Liên quan đến vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 có quy định như sau: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".

Theo thông tin mà anh (chị) cung cấp ở trên thì vào năm 2013, cơ quan nhà nước đã cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình anh (chị) và hai cô của anh (chị), được sự đồng ý và đã ký xác nhận từ hai người cô cũng như không có bất cứ tranh chấp nào xảy ra vào thời điểm đó. Như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật đất đai. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai chính là sự khẳng định của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của gia đình anh (chị). Mà theo đó, anh (chị) “được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình” (Khoản 5 Điều 166 Luật đất đai) cũng như “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai” (Khoản 7 Điều 166 Luật đất đai).

Nếu như việc thỏa thuận giữa hai bên không đạt được kết quả mong muốn, anh (chị) có thể thực hiện việc hòa giải tại cơ sở để tìm kiếm giải pháp thích hợp nhất cho cả hai bên. Nếu thật sự cần thiết, anh (chị) có thể khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Theo đó “tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai” là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Khoản 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự). Anh (chị) có thể gửi đơn khởi kiện lên Tòa án cấp huyện nơi có bất động sản (Điều 33 và Điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự).

Do cả hai bên là thân thích, họ hàng vì vậy gia đình anh (chị) cũng như cô của anh (chị) nênthỏa thuận với nhau để tránh xảy ra xích mích, mâu thuẫn khi khởi kiện tại Tòa án cũng như chi phí, công sức tiêu tốn của cả hai bên.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.