Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Hỏi: Tôi làm trong công ty sản xuất may mặc. Hàng mẫu tôi để trong Showroom để chờ kiểm tra. Hôm đó hết giờ làm việc và còn nhiều việc cần giải quyết tiếp, nên tôi ra khỏi phòng để làm tiếp việc của mình (lúc này tôi để mẫu trong phòng để chờ kiểm vì thường mọi người đều để vậy qua đêm). Ngày hôm sau, tôi có việc nên nghỉ. Thế nhưng đúng vào hôm tôi nghỉ thì lại có chuyện xảy ra: mọi người vào dọn dẹp phòng để khách hàng tới và đã dọn luôn mẫu của tôi.
Hôm sau tôi đi làm, có vào phòng tìm thì không thấy nó ở đó nữa. Tôi có hỏi mọi người thì họ nói đã dọn hết hàng mẫu trong đó. Tôi cũng cố gắng tìm kiếm ở kho và các nơi khác, nhưng không thấy. Truớc lúc xảy ra sự việc tôi đã viết đơn nghỉ việc, và ngày 25/02/2017 là ngày cuối cùng tôi làm việc theo như đơn. Nhưng vào ngày này thì phòng nhân sự họp lại và yêu cầu tôi bồi thường bằng giá mẫu mất đó (nhưng thực tế không ai biết giá trị của nó). Việc bị mất mẫu đó đều qui toàn bộ trách nhiệm về tôi và tôi phải đền tiền dù tôi làm mất nó mà nó bị người khác lấy đi để bị thất lạc.
Đề nghị Luật sư tư vấn, về trường hợp này thì tôi bị bắt bồi thường là đúng hay sai, và nếu bồi thường thì sẽ thế nào vì trước giờ công ty bị mất mẫu rất nhiều và tôi không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất nhưng tôi lại là trường hợp duy nhất bị công ty ép bồi thường. (Lê Bắc - Hà Nội)
Luật gia Lưu Thị Ngọc Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về việc công ty yêu cầu bồi thường.
Tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) có quy định về việc bồi thường thiệt hại của người lao động cho người sử dụng lao động như sau:
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”.
Như vậy, trong trường hợp của chị: Chị là người có trách nhiệm bảo quản tài sản cụ thể là hàng mẫu của công ty. Do đó khi mà tài sản mất, việc công ty yêu cầu chị phải bồi thường là đúng.
Thứ hai, về nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hạiđược quy định tại Điều 131 BLLĐ:
1. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
2. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này.”
Theo đó thì mức bồi thường mà chị phải bồi thường cho công ty sẽ phụ thuộc vào lỗi và mức độ thiệt hại thực tế mà công ty phải chịu, cùng với hoàn cảnh của gia đình chị. Căn cứ vào các yếu tố đó thì công ty sẽ quyết định mức bồi thường của chị.Tuy nhiên thì việc xử lý bồi thường thiệt hại thì pháp luật quy định tối đa là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, trong một số trường hợp đặc biệt thì tối đa là 12 tháng.
Về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động:
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng” (Điều 124 BLLĐ).
Như vậy, việc công ty kéo dài không giải quyết việc của chị chỉ được tối đa là 06 tháng, nếu liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý tối đa là 12 tháng.
Tại Điều 47 BLLĐ quy định về trách nhiệm của các bên khi khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Như vậy, theo quy định tại Điều này thì trong vòng 07 ngày, chị phải thanh toán khoản bồi thường cho Công ty và ngược lại, công ty có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cũng như các giấy tờ khác cho bạn.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6218, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận