-->

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình

Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù.

Hỏi: Pháp luật quy định thế nào về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người công nuôi dưỡng mình?(Nguyễn Phong - Hải Dương).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Thị Hoàng - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình như sau:

“Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm” (Điều 151).

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ có tính đạo lý giữa những người thân trong gia đình và đã được pháp luật hóa thành nghĩa vụ pháp lý trong Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời, các hành vi ngược đãi, hành hạ còn trực tiếp xâm hại đến sức khỏe và phẩm giá của người bị hại.

Đối tượng của hành vi phạm tội là ông, bà (ông bà nội và ông bà ngoại), cha mẹ (bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ chồng và cha mẹ rể), con cái (con đẻ và con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể, con riêng của chồng hoặc vợ, con trong hay ngoài giá thú), cháu (cháu nội, cháu ngoại, cháu dâu, cháu rể, cháu là con nuôi hợp pháp của người con) của người phạm tội cũng như người có công nuôi dưỡng chính người phạm tội này (người có công nuôi dưỡng là người đã hoặc đang có công nuôi dưỡng người phạm tội và sự nuôi dưỡng này phù hợp với pháp luật hay truyền thông đạo đức gia đình Việt Nam, như sự nuôi dưỡng của anh chị em, cô, gì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đối với người phạm tội).

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thể hiện ở hai dạng hành vi: ngược đãi và hành hạ và chỉ cấu thành tội phạm khi những hành vi này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho người bị hại hoặc trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.
- Hành vi ngược đãi: là sự đối xử tồi tệ về các mặt ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt khác như cố tình cho ăn đói, mặc rách,…mặc dù có điều kiện tốt hơn. Sự đối xử tồi tệ phái ở mức độ nghiêm trọng nhất định, thể hiện ở chỗ người bị ngược đãi luôn bị giày vò về tình cảm, đau khổ về tinh thần, tổn hại về sức khỏe…
- Hành vi hành hạ: là hành vi dối xử tàn ác, gây ra đau đớn về thể xác cho người bị hại như đánh đập, bắt làm việc nặng nhọc, quá sức,…

Chủ thể của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là những người có mối quan hệ về hôn nhân hoặc gia đình đối với nạn nhân.

Người thực hiện hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình đã có lỗi cố ý, nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.


Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2016) quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:

“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo” (Điều 185).

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.