Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi ngược đãi gây ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo những quy định của pháp luật.
Hỏi: Vợ chồng tôi năm nay đều ngoài 60 tuổi, con trai đã lập gia đình. Do chơi bời lêu lổng, mỗi khi không được đáp ứng các yêu cầu, con tôi gây sự chửi bới bố mẹ, ông bà, không coi ai ra gì, thậm chí còn hành hung. Chúng tôi càng khuyên can, nhẫn nhịn thì con càng ngỗ ngược, hư hỏng. Đề nghị Luật sư tư vấn, chúng tôi không muốn con đi tù nhưng muốn chính quyền có biện pháp răn đe nào để con tôi "tỉnh lại"? (Hoàng Xuân - Thái Bình)
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Liên quan tới vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của Nghị định số167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi pahmj hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chấy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
- Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình "1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này” (Điều 49).
"1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này” (Điều 50).
Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình như sau:
"Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm".
Theo Luật Hôn nhân & Gia đình và Bộ luật Hình sự, “ngược đãi” là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: xỉ vả, mắng chửi, cố tình bỏ đói, mặc rách, mặc dù có điều kiện hoặc làm cho người bị hại đau đớn về tinh thần. Còn “hành hạ” là hành vi đối xử tàn ác như: đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần hoặc gây tổn hại về sức khoẻ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả hành vi của con trai của anh (chị) gây ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo những quy định của pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận