Tội đánh bạc

Đánh bạc là một tệ nạn xã hội, dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác, như trộm cắp, giết người nhằm cướp tài sản,… Tội đánh bạc trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, nếp sống văn minh của xã hội

Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mà không thực hiện đúng theo giấy phép được cấp
1
Quy định của BLHS hiện hành về tội đánh bạc (Điều 248):
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.
Căn cứ quy định trên có thể hiểu, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Các dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội phạm:
Khách thể của tội phạm: đánh bạc là một tệ nạn xã hội, dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác, như trộm cắp, giết người nhằm cướp tài sản,… Tội đánh bạc trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, nếp sống văn minh của xã hội
Mặt khách quan của tội phạm: tội đánh bạc được thể hiện thông qua hành vi chơi được, thu bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào, như: xóc đĩa, bầu cua, tổ tôm, tam cúc, số đề, cá cược, đá (chọi) gà, đua xe, cá cược,…một cách trái phép; thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy, nhà cửa, gia súc, hàng hóa,… Theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tội đánh bạc (Điều 248) của BLHS (gọi tắt Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP), thì: Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Do vậy, trong thực tế không phải mọi trường hợp cứ tham gia chơi được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội, như hình thức vui chơi giải trí mà người tham gia được thua bằng tiền hay hiện vật nhưng không bị coi là hành vi phạm tội đánh bạc (chơi lô tô, xổ số, casino,…) vì các trò chơi này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Hành vi đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc tuy dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ngoài hành vi đánh bạc, nếu người đánh bạc còn rủ rê, lôi kéo người khác tham gia cùng đánh bạc, cho thuê nhà, sà lan, tàu, thuyền,…làm nơi đánh bạc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về các tội tương ứng: Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc và gá bạc.
Về hậu quả của hành vi đánh bạc: không phải là dấu hiệu bắt buộc và cũng không là yếu tố định khung hình phạt.
Theo hướng dẫn tại Điều 1 của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP:
“… 2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét, cụ thể:

a.Trong trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

b.Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lần đánh bạc đó.

c.Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

d.Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 BLHS.

3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:

a.Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b. Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c. Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ dùng để đánh bạc.

4. Khi xác định tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

a.Trong trường hợp, nếu nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc đó.

b.Còn trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.
Ví dụ 1: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7-2010, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 500.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 2.000.000 đồng, trong trường hợp này chỉ coi A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 3.500.000 đồng.
Ví dụ 2: Ngày 20-7-2010, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 500.000 đồng, mua số 20 với số tiền là 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 3.000.000 đồng; trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần.
Trong các trường hợp nêu tại ví dụ 1 và ví dụ 2 trên đây, nếu số tiền cá độ đua ngựa, số tiền mua số đề của mỗi đợt từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của BLHS.”
Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, chủ đề; người cá độ, chủ cá độ dùng đánh bạc:
Đối với người chơi đề, cá độ: Trường hợp người chơi số đề trúng số đề, cá độ thắng cược thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà trước đó họ đã bỏ ra mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ nhận được từ chủ đề, chủ cá độ. Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số mua 60.000 đồng. Sau khi có kết quả xổ số, B đã trúng số đề đã mua 60.000 đồng. Trường hợp này, số tiền mà B dùng để đánh bạc là: 100.000 đồng + (60.000 đồng x 70 lần) = 4.300.000 đồng.
Trường hợp người chơi đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền bỏ ra mua số đề, cá độ.
Đối với chủ đề, chủ cá độ: Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng thưởng thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận từ những người tham gia chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ bỏ ra để trả cho người trúng. Ví dụ: D lả chủ đề của 5 người chơi đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề là 50.000 đồng; tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng thưởng. Trong trường hợp này, số tiền mà D dùng để đánh bạc: 250.000 đồng + (50.000 đồng x 70 lần x 2 người) = 7.250.000 đồng.
Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng thưởng hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà chủ số đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ nhận của những người chơi số đề, cá độ.
Chủ thể của tội phạm: bất kỳ người nào đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, thì ng­ười từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, như­ng ch­ưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự là ng­ười có đủ khả năng nhận thức đ­ược tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, có khả năng điều khiển hành vi theo hư­ớng có lợi hay không có lợi cho xã hội, hoặc có khả năng xử sự khác không gây nguy hiểm cho xã hội. Để kết luận một nguời có đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải căn cứ quy định tại Điều 13 BLHS, theo quy định tại Điều luật này, những ng­ười không đủ năng lực trách nhiệm hình sự là: "Ngư­ời thực hiện hành vi nguy hiểm trong xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Nh­ư vậy, ng­ười có đủ năng lực trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền là ng­ười có khả năng nhận thức đ­ược hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và có khả năng điều khiển hành vi của mình.
Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích nhằm tước đoạt tiền bạc, tài sản của nhau.
Nhận xét chung:
Thứ nhất, so với BLHS năm 1999 thì khoản 1 Điều 248 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 giá trị tiền dùng đánh bạc rõ ràng hơn “từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”trong khi đó khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 quy định “giá trị lớn”, đồng thời theo hướng nhẹ hơn “hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, trong khi đó khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 quy định cả với trường hợp người phạm tội bị xử phạt hành chính.
Thứ hai, so với Điều 248 BLHS năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã bổ sung thêm cụm từ “trái phép” vào điều văn của điều luật, để phân biệt với trường hợp tham gia các trò chơi được thu bằng tiền hoặc hiện vật được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay trong các khu vui chơi giải trí, hội chợ, hội xuân,… công khai tổ chức các trò chơi có thưởng và thu hút rất nhiều người tham gia, người chơi cứ tưởng việc tham gia của mình là “hợp pháp” nhưng thực tế chỉ do một số người đứng ra tổ chức để thu tiền. Trường hợp này, người tham gia chơi không bị coi là đánh bạc trái phép.
Thứ ba, cần phân biệt tội này với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS), trường hợp đánh bạc hay tổ chức đánh bạc, gá bạc mang tính chất gian lận nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật gia Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Tư vấn doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest