Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Hỏi: Mẹ tôi mất sau khi mổ và không để lại di chúc. Tôi và bố sống cùng nhau ở Kon-tum, bà ngoại đã ngoài 80 tuổi thì sống ở Nghệ An (ông ngoại đã mất lâu và không có giấy chứng tử).Giờ gia đình muốn tôi đứng quyền thừa kế di sản của mẹ bao gồm: nhà đất, sổ tiết kiệm ngân hàng. Vậy giờ tôi phải làm những thủ tục gì? (Hữu Hòa - Hà Nam)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trường hợp mẹ bạn mất không để lại di chúc, thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại điểm akhoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự 2005.
Theo thông tin bạn cung cấp, xác định rằng hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn bao gồm: chồng (bố bạn), con (bạn), mẹ (bà ngoại bạn) và khối di sản thừa kế bao gồm đất đai và sổ tiết kiệm ngân hàng. Do mẹ bạn mất không để lại di chúc nên toàn bộ di sản mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 Bộ Luật Dân sự 2005.
Vì vậy, để bạn đứng quyền thừa kế toàn bộ di sản của mẹ bạn thì những người còn lại ở hàng thừa kế thứ nhất ( tức là bố và bà ngoại bạn) phải thực hiện quyền từ chối nhận di sản của mình theo quy định tại Điều 642 Bộ Luật Dân sự 2005:
"1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế".
Khi đó, những người đã từ chối nhận di sản sẽ không được hưởng thừa kế đối với phần thừa kế của mình nữa, phần thừa kế này sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế cùng hàng còn lại. Trong trường hợp của bạn, nếu bố và bà ngoại bạn từ chối nhận di sản thì bạn sẽ được hưởng toàn bộ nhà đất và sổ tiết kiệm mẹ bạn để lại. Việc từ chối nhận di sản thừa kế này chỉ được thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế, văn bản từ chối nhận di sản phải được công chứng theo quy định tại Điều 59 Luật Công chứng 2014.
Thủ tục bạncần thực hiện để hưởng thừa kế:
- Thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản: bạn lập văn bản khai nhận di sản, trong đó xác định di sản được thừa kế bao gồm nhà đất và sổ tiết kiệm. Sau đó bạn đếnvăn phòng công chứng để thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP; theo đó:
+ Bạn phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản bao gồm: văn bản kê khai di sản;văn bản yêu cầu công chứng;bản chính kèm bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân của bạn (người khai nhận di sản thừa kế); bản chính kèm bản sao có chứng thực Hộ khẩu của bạn; bản chính kèm bản sao có chứng thực các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa bạn và mẹ bạn (người khai nhận và người để lại di sản) có thể là: Giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch...; bản chính kèm bản sao có chứng thực Giấy chứng tử của mẹ bạn (người đểlại di sản); Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản đối với di sản thừa kế của mẹ bạn, có thể là: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, sổ tiết kiệm.
+ Cơ quan Công chứng sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xác minh hồ sơ và các thông tin liên quan, thấy hồ sơ đầy đủ và hợp pháp thì sẽ tiến hành niêm yết công khai việc thụ lý côngchứng văn bản khai nhận di sản của bạn tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã nơi thường trú cuối cùng của mẹ bạn (hoặc nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của mẹ bạn) và Trụ sở Ủy ban nhân dân xã nơi có bất động sản mẹ bạn để lại. Sau 15 ngày niêm yết công khai, nếu không có bất cứ khiếu nại hay tố cào gì thì Cơ quan Công chứng sẽ công chứng văn bản khai nhận di sản cho bạn.
- Sau khi được công chứng văn bản khai nhận di sản, bạn mang theo văn bản này cùng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở của mẹ bạn và hồ sơ đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng, quyền sở hữu đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện hoặc Ủy ban nhân dân xã để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở sang tên bạn. Bạn cũng có thể mang theo văn bản khai nhận di sản đã công chứng nói trên cùng Sổ tiết kiệm mẹ bạn để lại đến Ngân hàng để rút tiền. Đối với trình tự cụ thể của việc thừa kế quyền sử dụng đất, bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài viết Tư vấn thừa kế quyền sử dụng đất trên websitecủa chúng tôi.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận