Thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất quy như sau: Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
Hỏi: Bố mẹ tôi có 200m2 đất, nay muốn chia cho các con mỗi người 1 suất để tiện việc làm ăn và sinh sống. Cả bố mẹ và vợ chồng tôi đều cư trú tại một xã. Vậy thủ tục tách đất cho con thế nào? Làm ở cơ quan nào? Mong luật sư tư vấn giúp tôi (Thành Thái – Sơn Tây)
Luật gia Chu Hoàng Hải - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất quy như sau:
“1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã”.
Tóm lại, về trình tự theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sẽ là:
- Bước 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai;
- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ hoàn thiện, đầy đủ, hợp thì tiếp nhận, ghi phiếu hẹn trả kết quả
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ thì phải hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân hoàn thiện, bổ sung.
- Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai cấp thị xã đo đạc địa chính để chia tách đất, lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền; chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
- Bước 4: Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp.
Thành phần hồ sơ theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, Điều 9 khoản 11 sẽ bao gồm: đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK và Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. Số lượng 01 bộ
Thời hạn: không quá 20 ngày làm việc (không kể thời gian người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định)
Cơ quan giải quyết: Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Lệ phí: Theo Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND, lệ phí chứng nhận đăng ký biến động về đất đai với cá nhân, hộ gia đình tại các phường thuộc quận, thị xã là 28.000 VNĐ và ở khu vực khác là 14.000 VNĐ.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận