Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp...
Hỏi: Tôi muốn hỏi, điều kiện chuyển nhượng, chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các bên khi chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm được pháp luật quy định như thế nào? (Ngô Hoàng Thanh - Bắc Cạn) Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp pháp luật dân sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 Đièu 26 có quy định:
1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế."
Ngoài ra bạn có thể tham khảo tại Nghị định 123/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi Nghị định 45/2007/NĐ-CP.
Hợp đồng bảo hiểm là căn cứ quan trọng quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận của 02 bên. Điều 12, khoản 1, 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:
“1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
2. Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: a) Hợp đồng bảo hiểm con người; b) Hợp đồng bảo hiểm tài sản; c) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.”
Mỗi loại hợp đồng trên có đối tượng bảo hiểm và kỹ thuật nghiệp vụ khác nhau. Việc chia ra làm 3 loại hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ nói trên nhằm có biện pháp quản lý phù hợp hơn.
Theo đó ta có thể thấy hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng dân sự. Dựa vào định nghĩa ta có thể thấy:
+ Đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của con người. Đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
+ Quyền lợi có thể được bảo hiểm thực chất là mối liên hệ giữa bên mua bảo hiểm đối với đối tượng được bảo hiểm được xác lập dựa trên quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ tài sản, quan hệ lao động, quan hệ tài chính theo đó, sự rủi ro của đối tượng được bảo hiểm sẽ gây thiệt hại về tài chính hoặc tổn thất tinh thần cho bên mua bảo hiểm. Chính sự khác biệt về đối tượng bảo hiểm mà quyền lợi có thể được bảo hiểm của bên mua bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nói trên cũng khác nhau. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, quyền lợi có thể được bảo hiểm bao gồm: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền tài sản. Trong hợp đồng bảo hiểm con người, quyền lợi có thể được bảo hiểm được quy định hạn chế hơn bao gồm 02 yếu tố: quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người được bảo hiểm.
+ Chuyển nhượng hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng là một trong những nội dung không thể thiếu được pháp luật điều chỉnh. Bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc một chủ thể khác sẽ thay thế vị trí pháp lý (kế thừa quyền và nghĩa vụ) của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng theo đó, người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm mới để tiếp tục duy trì hợp đồng và hưởng các quyền lợi khác (nếu có) theo hợp đồng.
Về mặt lý luận, việc thay đổi bên mua bảo hiểm luôn phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm. Nghĩa là, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cũng phải thỏa mãn đầy đủ điều kiện của bên mua bảo hiểm như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Điều này cũng được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hàng hải: “người không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm thì không được chuyển nhượng đơn bảo hiểm hàng hải”
Trong hợp đồng bảo hiểm con người, đối với trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm cho trường hợp chết của người khác thì việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo chúng tôi cũng phải được sự đồng ý của người được bảo hiểm để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm có thể xảy ra từ việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm này. Ngoài ra, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về trình tự, thủ tục, hình thức chuyển nhượng (nếu có).
Về vấn đề chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thì theo Mục 9 Thông tư 124/2012/TT-BTC có quy định nhưng chỉ áp dụng với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể chuyển giao hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm (sau đây gọi tắt là chuyển giao) cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác được phép hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay pháp luật Việt Nam về vấn đề chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn rải rác, chưa có một văn bản quy định rõ ràng về vấn đề này.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật dân sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận