Người lao động là đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội mà thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc không tham gia bảo hiểm xã hội có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Hỏi: Tôi có ký hợp đồng làm việc ba năm với một công ty may ở gần nhà vì công việc của mình nhẹ nhàng, bản thân cũng chưa từng bị ốm đau hay bệnh tật gì nên tôi cảm thấy việc đóng bảo hiểm là không cần thiết, muốn thỏa thuận không đóng bảo hiểm tại công ty. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi có bắt buộc phải đóng bảo hiểm không? (Phan Trang - Hà Tĩnh). Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng áp dụng như sau:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”
Khoản 1 Điều 26 nghị định Số: 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 08 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp”.
Như vậy, người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng làm việc theo mùa vụ… là đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội mà thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc không tham gia bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trường hợp anh (chị) có hợp đồng lao động ba năm thuộc đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, anh (chị) không được quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc không tham gia bảo hiểm xã hội.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail:[email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị tham khảo bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận