-->

Thế nào thì được coi là phòng vệ chính đáng?

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Hỏi:Thời gian vừa qua tôi có người say rượu chửi bới tôi trước đám đông và tôi có nhắc nhở nhẹ chứ không chửi lại hay đánh lại. Xong lúc tôi về người đó chặn xe của tôi ngoài ngõ và đấm liên tiếp vào mặt tôi khiến tôi bị ngã, sau đó người đó vẫn muốn lao tới để đánh tiếp thì tay tôi lúc đó đã vơ được một vật đó là mẩu gạch khoảng 1/4 viên ném về phía người đó trúng đằng sau tai và khâu 4 mũi. Sau tôi vùng dậy và bỏ chạy nhưng người đó đã túm được áo không cho tôi chạy. Lúc đó có vài người (4 người) là người nhà của họ lao vào dùng gậy và gạch đánh tôi bị đa chấn thương vùng đầu khâu 1 mũi do gậy.Vậy xin hỏi luật sư là trường hợp của tôi có vượt quá giới hạn phòng vệ hay không? Và có bị xử phạt hành chính hay không? (Thu Lương - Nghệ An)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

"1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại".


Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủcác yếu tố:

-Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Trong tình huống của bạn, người kia sau khi đánh ngã bạn vẫn có ý định tấn công tiếp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của bạn

-Thứ hai,về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻvềcho người có hành vi xâm phạm. Người kia gây tổn hại về sức khỏe cho bạn và sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe lại cho người đó.

-Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiếtthì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thương tích bạn gây ra cho người kia lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của mình.

Như vậy, bước đầu có thể thấy rằng bạn đang trong tình thế cần và có quyền phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, Điều 106 Bộ luật quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Mức thương tật để phân biệt giữa hành vi phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng ở đây là 31%. Do vậy cần phải giám định mức độ thương tích trước khi có thể đưa ra được kết luận rằng bạn có vượt quá mức độ phòng vệ chính đáng không. Tuy nhiên, hành vi tấn công của 4 người còn lại trong gia đình kia đối với bạn là hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Cụ thể Điều 104 Bộ luật quy định:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

E) Có tổ chức;

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa xác định được mức thương tật nhưng bạn hoàn toàn có quyền kiện 4 người kia vì tội cố ý gây thương tích và yêu cầu đòi bồi thường theo quy định pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.