Thế nào là thu lợi bất chính lớn khi xác định tội cho vay nặng lãi?

Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

Hỏi: Theo quy định tại Điều 163 BLHS thì người có hành vi thu lợi bất chính lớn từ việc cho vay nặng lãi sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vậy cho tôi hỏi thế nào là thu lợi bất chính lớn? (Trịnh Dũng - Hà Nam)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật tố tụng của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Cơ sở pháp lý

-Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ Luật hình sự

-Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ Luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền

Nội dung phân tích

Điều163 BLHS quy định như sau:

"Điều 163. Tội cho vay lãi nặng

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Hiện nay, pháp luật hình sự không có một quy định cụ thể nào về yếu tố “thu lợi bất chính lớn” của tội cho vay nặng lãi quy định tại Điều 163 BLHS. Tuy nhiên, pháp luật hình sự cũng quy định một số trường hợp coi là thu lợi bất chính lớn cho các tội danh cụ thể.

Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP có hướng dẫn về yếu tố “thu lợi bất chính” khi xác định tội “tổ chức đánh bạchoặc gá bạc” như sau:

“3. “Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” được xác định như sau:

a) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng là thu lợi bất chính lớn.

b) Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng là thu lợi bất chính rất lớn.

c) Thu lợi bất chính từ 90.000.000 đồng trở lên là thu lợi bất chính đặc biệt lớn”.

Bên cạnh đó khoản 7, 8, 9 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC cũng hướng dẫn việc xác định các tội phạm về chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có và tội rửa tiền như sau:

7. “Thu lợi bất chính lớn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

8. “Thu lợi bất chính rất lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng.

9. “Thu lợi bất chính đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 250 Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên”.

Như vậy, để xác định yếu tố “thu lợi bất chính lớn” có thể thực hiện theo những hướng dẫn tại quy định trên. Theo đó, thu lợi bất chính từ 10 triệu trở lên được coi là thu lợi bất chính lớn.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật tố tụng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.