Để chấm dứt quan hệ hôn nhân, người có yêu cầu ly hôn với người mất tích phải khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết. Quy định như vậy, nhưng trên thực tế, khi giải quyết việc ly hôn với người mất tích lại phát sinh vướng mắc.
Hỏi: Đề nghị Luật sư tư vấn, về ly hôn với người mất tích? (Bích Huệ - Thái Bình)
Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Có một thực trạng khá phổ biến trong quan hệ hôn nhân hiện nay, đó là khi xảy ra tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, một bên vợ hoặc chồng thường bỏ đi mất tích. Để chấm dứt quan hệ hôn nhân, người có yêu cầu ly hôn với người mất tích phải khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết. Quy định như vậy, nhưng trên thực tế, khi giải quyết việc ly hôn với người mất tích lại phát sinh vướng mắc.
Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Dân sự quy định về việc tuyên bố một người mất tích: "Khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Khoản 2 của điều luật này quy định: Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn".
Trước đây, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, để ly hôn với người mất tích, trước hết phải thực hiện thủ tục tuyên bố người đó mất tích, sau đó giải quyết việc ly hôn trong cùng một vụ án. Nghị quyết số 03/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh nêu rõ: Khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự, Tòa án yêu cầu đương sự đến cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh và trung ương nhắn tin tìm người vắng mặt và lấy giấy xác nhận của cơ quan đó về việc đã nhắn tin tìm người vắng mặt nộp cho Tòa án để Tòa án thụ lý vụ án. Tòa án cũng có quyền yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng cho việc thông báo tìm người vắng mặt trên báo chí, đài phát thanh, đài vô tuyến truyền hình của tỉnh và Trung ương để Tòa án thụ lý vụ án và thông báo tìm người vắng mặt. Người khởi kiện phải chịu phí tổn về việc thông báo tìm người vắng mặt. Như vậy, Nghị quyết 03 không quy định cụ thể cần phải đăng báo hoặc phát sóng thông báo tìm người vắng mặt trên đài, báo là bao nhiêu lần. Do vậy, thực tiễn giải quyết vụ án này trong những năm qua thường là Tòa án chỉ gửi thông báo tìm người vắng mặt cho cơ quan báo chí đăng báo hoặc đài phát thanh phát sóng 1 lần. Chi phí cho việc này hết khoảng vài ba trăm ngàn đồng.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự thì yêu cầu tuyên bố mất tích là việc dân sự, còn ly hôn lại là vụ án dân sự (trừ trường hợp thuận tình ly hôn được coi là việc dân sự). Nếu đương sự vừa có yêu cầu tuyên bố một người mất tích vừa có yêu cầu xin ly hôn thì phải yêu cầu để Tòa án giải quyết việc tuyên bố mất tích trước, sau đó mới giải quyết yêu cầu xin ly hôn. Theo quy định hiện hành, thông báo tìm người vắng mặt tại nơi cư trú phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên Đài Phát thanh hoặc Đài Truyền hình của Trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu. Quy định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là cần thiết để Tòa án có cơ sở giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc giải quyết vụ án ly hôn đối với họ. Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh từ quy định này là chi phí để thực hiện việc thông báo, nhắn tin không nhỏ, đặc biệt là đối với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (khoảng trên 1 triệu đồng). Thời gian qua, Nhà nước đã có chế độ, chính sách hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn như: trợ giúp pháp lý miễn phí, miễn, giảm tiền án phí dân sự, góp phần tạo sự bình đẳng cho các chủ thể tham gia tố tụng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, đối với các chi phí khác như giám định, nhắn tin đến nay chưa có quy định miễn, giảm. Bởi vậy, không ít trường hợp do không đủ điều kiện để thực hiện việc thông báo theo quy định của pháp luật, đương sự đã phải rút đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Do đó, Tòa án cũng không đủ cơ sở để giải quyết yêu cầu xin ly hôn của người đó.
Để giúp công dân giải quyết sự ràng buộc về quan hệ hôn nhân một cách hợp pháp, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những đối tượng có hoàn cảnh thực sự khó khăn, mở cho họ hướng đi trong trường hợp nhất thiết phải ly hôn với người mất tích.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận