Sử dụng tài sản của công ty vào mục đích riêng, có vi phạm không?

Hành vi rút séc từ tài khoản công ty có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hỏi: Ông A và ông B hợp tác mở một công ty TNHH hai thành viên từ năm 2012 đến nay. Ông A giữ chức vụ giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty, còn ông B giữ chức vụ phó giám đốc, công ty thuê kế toán dịch vụ K để hạch toán sổ sách, kê khai thuế, báo cáo tài chính... Và một nhân viên C (không có ký kết hợp đồng lao động) ngồi tại công ty để thu chi tiền mặt hàng ngày (các khoản thu chi hàng ngày này không có hóa đơn chứng từ, nhân viên C cũng không lập phiếu thu, phiếu chi mà chỉ ghi vào một quyển sổ để theo dõi)
1. Vì một số lý do cá nhân, nhân viên C nghỉ việc, sau đó ông B đưa vợ ông ấy vào công ty để kiểm tra sổ sách thu chi, hóa đơn...và nói rằng có một vài khoản thu không ghi sổ (do khách hàng nói đã trả tiền mặt cho nhân viên C, nhưng không có phiếu thu) và đòi kiện nhân viên C. Trường hợp này, Ông B có thể kiện nhân viên C được không khi không có chứng từ chứng minh C đã nhân tiền? Và nhân viên C có vi phạm luật hay không?

2. Ông B yêu cầu ông A giải trình về các khoản rút séc từ tài khoản công ty từ những năm 2014, 2015 đã chi cho những khoản nào và đòi kiện ông A (vì những khoản rút rền từ tài khoản công ty được ông B ghi vào một quyển sổ để theo dõi riêng cũng như những khoản chi ra từ số tiền đó, nhưng có vài khoản ông B rút về để chi nhưng không ghi sổ) Nhưng những khoản rút sec này kế toán dịch vụ K đều đã có phản ánh nhập quỹ tiền mặt. Trường hợp này ông B có đủ yếu tố để kiện ông A chiếm dụng hay không? Và nếu phải ra tòa thì tòa án sẽ dựa vào đâu để kiểm tra sai phạm? Liệu ông A có vi phạm luật không? Nếu có vi phạm thì sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? (Văn Tài - Hà Nội)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hà Thị Phương - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1.

Vì nhân viên C không kí hợp đồng, chỉ có chức năng thu chi tiền mặt, và không rõ mục đích của C là gì, nếu như C thực hiện đúng công việc thu, chi và do nhầm lẫn trong quá trình thu chi này thì C chỉ phải bồi thường lại chứ không vi phạm pháp luật,còn nếu như C cố tình muốn lấy thì mới bị coi là tội phạm. Dối chiếu với quy định của BLHS thì hành vi của C mà nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản, cụ thể:

Theo điều 138 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biét mình bị mất tài sản, chỉ sau khi mất tài sản họ mới biêt bị mất tài sản. Tội trộm cắp tài sản có những dấu hiệu sau:

- Các dấu hiệu về mặt khách quan

+ Hành vi khách quan

Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.

+ Hậu quả

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt theo khoản 1, Điều 138.

- Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, tội trộm cắp tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

- Dấu hiệu về khách thể của tội phạm:Tội trộm cắp tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu

- Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Đối với tội trộm cắp tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với trường hợp của bạn, mặc dù không có chứng từ chứng minh C đã nhận tiền nhưng có thể có nhân chứng là khách hàng chứng minh C đã nhận tiền. Nếu C đã nhận tiền mà không kê khai thu chi của công ty mà cố ýchiếm làm tài sản riêng của mình, với hành vi thỏa mãn các dấu hiệu trên thì C có thể bị truy tố về tội trộm cắp tài sản.

2.

Theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”

- Dấu hiệu về mặt khách quan

a. Hành vi khách quan

- Hành vi khách quan của tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng.

- Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

b. Hậu quả

Hậu quả của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

- Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt sản. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội trộm cắp tài sản.

- Dấu hiệu về mặt khách thể: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm phạm quan hệ sở hữu.

- Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự, vì khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự là tội phạm nghiêm trọng, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, hành vi rút séc từ tài khoản công ty của ông A không thuộc hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, do việc chuyển dịch tài sản của công ty vào tài khoản của ông A không phải do xuất phát từ việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng.

Tuy nhiên, theo Điều 71 Luật Doanh nghiệp 2014, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên và người quản lý khác có: “b) Trung thành với lợi ích của công ty; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác”. Do đó, ông A đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ của người quản lý nên ông B có thể yêu cầu ông A chứng minh và xử lý theo điều lệ công ty.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.