-->

Quyền yêu cầu và quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường

Nhóm cổ đông nắm giữ số lượng cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ sáu tháng trở lên, thì có quyền yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường trong những trường hợp: Hội đồng quản trị công ty vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông,...

Hỏi: Nhóm cổ đông cá nhân chúng tôi nắm giữ hơn 25% tổng số cổ phần phổ thông của một công ty. Vậy, chúng tôi có quyền yêu cầu triệu tập hoặc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường hay không; thủ tục cần thiết của vấn đề này (Nguyễn Đức Hoàng).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Tiến sỹ, Luật sư Vũ Thái Hà -Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội- trả lời:

Theo quy định tại Điều 79 và Điều 97 Luật Doanh nghiệp hiện hành (Luật Doanh nghiệp 2005), nếu nhóm cổ đông của ông Nguyễn Đức Hoàng nắm giữ số lượng cổ phần phổ thông nêu trên trong thời hạn liên tục từ sáu tháng trở lên, thì có quyền yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐBT) trong những trường hợp sau: Hội đồng quản trị công ty vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của hội đồng quản trị đã vượt quá sáu tháng mà hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế; trong các trường hợp khác được điều lệ công ty quy định.

Yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐBT phải được lập thành văn bản và phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân; hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp của các cổ đông; số cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.

Nếu điều lệ công ty không quy định thời hạn thì hội đồng quản trị công ty phải triệu tập ĐHĐCĐBT trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐBT. Nếu hội đồng quản trị không triệu tập ĐHĐCĐBT theo yêu cầu, chủ tịch hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty và ban kiểm soát có quyền thay thế hội đồng quản trị triệu tập ĐHĐCĐBT trong thời hạn ba mươi ngày tiếp theo. Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty nếu không tuân thủ đúng quy định này.

Trong trường hợp ban kiểm soát không triệu tập ĐHĐCĐBT, nhóm cổ đông của ông Nguyễn Đức Hoàng có quyền thay thế hội đồng quản trị, ban kiểm soát triệu tập ĐHĐCĐBT theo đúng các quy định của Luật doanh nghiệp về tổ chức đại hội đồng cổ đông; đồng thời có thể đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh giám sát việc triệu tập và tiến hành đại hội nếu xét thấy cần thiết. Mọi chi phí cho việc triệu tập và ĐHĐCĐBT được công ty hoàn lại.

Theo Báo Hà Nội Mới (ngày 03.03.2011)

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.