-->

Quyền nuôi con khi ly hôn mà chưa đăng ký kết hôn

Nam nữ chung số như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con được giải quyết như quy định về quyền nuôi con đối với vợ chồng khi ly hôn.

Hỏi: Em với chồng em có với nhau một đứa con nhưng không đăng ký kết hôn. Lúc khai sinh cho bé chỉ đứng tên mình em và đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ nhà mẹ em. Hiện tại em với chồng em ở xa nhau ( 2 người cũng đang có ý định chia tay), nhà bên chồng em có ý định bắt cháu và bắt em nhập hk cho con e về bên chồng, e không đồng ý. (Từ lúc con em 4 tháng la em giao cho nội giữ, vì em va chồng đi làm ăn xa ( con em hiện tại gần 4 tuổi). Nhưng tiền cấp dưỡng nuôi con là do em chu cấp hoàn toàn). Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu bên chồng e kiện thì e có bị mất con không? (Vân Khánh - Hải Dương)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Theo thông tin mà bạn đã cung cấp cho chúng tôi thì con của bạn được khai sinh chỉ có tên của bạn. Do đó, phải chứng minh được cha của đứa bé là “chồng” của bạn thì “chồng” của bạn mới có quyền giành quyền nuôi con. Nếu như chưa xác định là có quan hệ cha con thì “chồng” bạn không có quyền giành quyền nuôi con với bạn.Nếu như “chồng” của bạn đã làm các trình tự xác định con là con của “chồng” bạn theo quy định của pháp luật thì bạn cần:

Trước hết, Căn cứ vào Mục 3 của Nghị quyết 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình có quy định:

“Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng...Nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết".

Do luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có hiệu lực nên việc yêu cầu về con và tài sản sẽ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thay thế cho quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

Quyền nuôi con : Theo Khoản 2 Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì : “Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, me, con khi ly hôn” . Do đó, việc chăm nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn giải quyết căn cứ vào Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trong trường hợp bạn nêu, con của hai bạn đã được 4 tuổi, nếu như hai bạn không thỏa thuận được việc ai sẽ nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án sẽ quyết định dựa trên quyền lợi của con ( tinh thần, vật chất). Theo thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi là hai bạn đều làm ở xa nên cơ hội chăm sóc, gần gũi đều tương đương nhau, nhưng bạn là người cung cấp tiền nuôi dưỡng con nên trong trường hợp này, bạn đã là người có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con hơn "chồng" của bạn. Căn cứ vào những thông tin trên, khi ra tòa rất có thể quyền nuôi con sẽ thuộc về bạn.

Tuy nhiên, trước Tòa, bạn cần chứng minh khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc con về các vấn đề điều kiện về vật chất như sức khỏe, điều kiện kinh tế, việc làm, chỗ ở, thu nhập, tài sản,sinh hoạt và các yếu tố về tinh thần như thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí,….hơn hẳn so với "chồng" bạn để có thể chắc chắn giành được quyền nuôi con về phía bạn. Tòa án sẽ dựa vào các điều kiện về vật chất cũng như các yếu tố tinh thần tốt nhất dành cho con để quyết định ai có quyền nuôi con.

Theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu như bạn có được quyền nuôi con thì bạn có quyền yêu cầu chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.