Nếu công ty A chỉ đăng ký trong nước thì việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong nước.
Hỏi: Cho tôi hỏi, Công ty A (Hàn quốc) sản xuất ra sản phẩm A và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với Cơ quan quản lý nhà nước Hàn quốc về sở hữu trí tuệ.Sau đó công ty A bán hàng cho công ty B (thông qua hợp đồng mua bán) trong đó qui định thêm: bên B được phép sử dụng catalogue, hồ sơ kỹ thuật sản phẩm A của công ty A dưới tên của công ty B. Cũng xin lưu ý là trong hợp đồng mua bán đó không ghi nội dung về địa điểm, phạm vi áp dụng và thời gian áp dụng việc bên A cho phép bên B dùng sản phẩm A dưới tên của bên B cũng như không nêu việc bên A đồng ý cho bên B ủy quyền lại cho bên thứ 3 (ở đây là công ty C bán hàng và sử dụng sản phẩm của công ty A dưới tên sản phẩm là B). - Sản phẩm đó sau đó được bán vào thị trường Việt nam thông qua một công ty thương mại C. Công ty B sau đó Ủy quyền cho bên C là đại diện độc quyền bán hàng tại Việt Nam tuy nhiên không ghi rõ phạm vi ủy quyền, sản phẩm được ủy quyền. Dựa trên nội dung ủy quyền của công ty B, Công ty C đã nhập hàng và bán hàng vào dự án cho công ty D (công ty D là nhà thầu thi công xây lắp cho dự án của Việt nam dùng vốn đầu tư của Việt nam và luật áp dụng là pháp luật Việt Nam) dưới tên sản phẩm là B. Vậy cho tôi hỏi việc công ty C bán hàng cho công ty D dưới tên sản phẩm là B thì có đúng không và có vi phạm luật sở hữu trí tuệ về công nghiệp và pháp luật thương mại Việt nam về sản phẩm không? (Hữu Hải - Hải Dương)
Luật gia Lê Thị Hồng Sơn - Tổ tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
"Bạn không đề cập đến việc Công ty A đã đăng ký quốc tế đối với sản phẩm A hay chưa. Nếu công ty A chỉ đăng ký trong nước thì việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong nước. Còn trong trường hợp Công ty A có đăng ký bảo hộ quốc tế đối với sản phẩm A (đăng ký bảo hộ nhãn hiệu) theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên thì sản phẩm A có thể được bảo hộ tại Việt Nam.
Trong câu hỏi, bạn đã lưu ý là trong hợp đồng mua bán đó không ghi nội dung về địa điểm, phạm vi áp dụng và thời gian áp dụng việc bên A cho phép bên B dùng sản phẩm A dưới tên của bên B cũng như không nêu việc bên A đồng ý cho bên B ủy quyền lại cho bên thứ 3, như vậy việc Công ty B ủy quyền cho Công ty C mà không nhận được sự đồng ý của Công ty A đã là vi phạm hợp đồng, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể như tôi đã trình bày ở trên để xử lý. Nếu Sản phẩm A không được bảo hộ tại Việt Nam thì hành vi của Công ty C không phải là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, còn nếu sản phẩm A được bảo hộ tại Việt Nam thì hành vi của công ty C có thể coi là vi phạm quyền sở hữ trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa".
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận