Chủ DNTN chịu trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh có nghĩa là chủ DNTN phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Trách nhiệm tài sản trong kinh doanh thường được đặt ra đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp để chỉ về khả năng chịu trách nhiệm tài sản giữa doanh nghiệp với các khách hàng, chủ nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp s chịu trách nhiệm tài sản bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp là trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp do mình góp vốn đầu tư.
Trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ DNTN
Theo khoản 1, điều 183, luật Doanh nghiệp năm 2014 thì“Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.
DNTN không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng nên trách nhiệm tài sản đối với đối tác, khách hàng, chủ nợ, những người có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do chủ DNTN phải chịu trách nhiệm.
Chủ DNTN chịu trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh có nghĩa là chủ DNTN phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanhnghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bao gồm cả tài sản chủ DNTN đã đầu tư vào doanh nghiệp và tài sản mà chủ DNTN không đầu tư vào doanh nghiệp.
Cụ thể hơn có thể hiểu là chủ DNTN không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của DNTN trong phạm vi số vốn đầu tư đã đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình không đầu tư vào doanh nghiệp trong trường hợp số vốn đầu tư đã đăng kí không đủ để thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của DNTN khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Như vậy, trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ DNTN là một loại trách nhiệm tài sản không chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn chủ sở hữu đầu tư vào doanh nghiệp.
Trách nhiệm tài sản của chủ DNTN được xác định từ thời điểm DNTN được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và thời điểm bị áp dụng trách nhiệm vô hạn là thời điểm DNTN bị tuyên bố phá sản.
Các văn bản pháp luật doanh nghiệp và pháp luật phá sản đã có sự thống nhất khi quy định về trách nhiệm tài sản của chủ DNTN. Tuy nhiên, Luật Phá sản đã mở ra hướng “mềm dẻo” hơn về trách nhiệm tài sản của chủ DNTN khi DNTN bị phá sản.
Theo đó, khoản 1 Điều 110 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Ưu điểm và nhược điểm của chế độ trách nhiệm vô hạn đối với chủ sở hữu DNTN
Trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân có điểm tích cực và hạn chế như sau:
Đứng ở góc độ nhà đầu tư thì trách nhiệm vô hạn không phân tán được rủi ro trong kinh doanh cho cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân. Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ DNTN cao.
Chủ DNTN phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình mà không có sự phân tán rủi ro cùng những chủ thể khác như những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Tuy nhiên, chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN lại tạo sự “an toàn” hơn cho chủ nợ vì chủ nợ có khả năng đòi được nợ không chỉ giới hạn trong số vốn đầu tư của chủ DNTN vào doanh nghiệp đó. Có thể từ ý tưởng bảo vệ lợi ích tài sản cho chủ nợ trong mối quan hệ với DNTN mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh”.
Bàn luận về trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh của chủ DNTN có một số điểm lưu ý sau:
Một là, xác định khối tài sản của chủ DNTN khi DNTN bị phá sản. Ngoài những tài sản mà chủ DNTN đầu tư vào doanh nghiệp còn bao gồm cả khối tài sản của chủ DNTN không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh. Trường hợp chủ DNTN có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ DNTN được chia theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.
Hai là, nhiệm vụ của khoa học pháp lí là cần phải quy định rõ về cách thức giải quyết trách nhiệm tài sản khi chủ DNTN đã kết hôn. Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tài sản chung được đưa vào kinh doanh thì trong trường hợp vợ chồng có thoả thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản. Luật Hôn nhân và gia đình mới chỉ dừng lại ở quy định khi đưa tài sản chung vào kinh doanh thì cần sự thống nhất bằng văn bản của hai vợ chồng.
Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Thu Trang - Công ty Luật TNHH Everest
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Dịch vụ pháp lý thường xuyên dành cho doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
- Hoạt động vì cộng đồng của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận