Điều 189 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định một số hạn chế trong quan hệ công ty mẹ với công ty con
Hỏi: Hiện nay Công ty em đang đầu tư một nhà máy trên đất thuê 50 năm của Công ty mẹ (Công ty mẹ không có chức năng cho thuê đất).
1/ Công ty con và Công ty mẹ có được liên doanh góp vốn để thành lập một pháp nhân mới không?
2/ Công ty mẹ và công ty con có được góp vốn vào dự án trên mà không thành lập pháp nhân mới không?
Nếu không được mong Luật sư tư vấn cho chúng tôi về hình thức góp vốn vào dự án trên. (Thanh Huân - Hà Nam)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thương mại - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Công ty con và Công ty mẹ có được liên doanh góp vốn để thành lập một pháp nhân mới:
Theo quy định tại Điều 189 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định một số hạn chế trong quan hệ công ty mẹ với công ty con:
- Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
- Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp này,vị trí công ty mẹ và công ty con chỉ trong mối quan hệ giữa hai công ty với nhau và mang tính tương đối, tức công ty con này có thể là công ty mẹ của một công ty khác, cũng đồng thời là công ty con của một công ty mẹ khác. Do đó, xét theo tùy từng trường hợp thì Công ty con và Côngt y mẹ có được liên doanh góp vốn để thành lập một pháp nhân mới:
Trường hợp thứ nhất, công ty con và công ty mẹ trong trường hợp của bạn là cùng thuộc một công ty mẹ hay một tập đoàn kinh tế, hai công ty này đều có tư cách pháp nhân, trực thuộc một công ty mẹ thì công ty hai công ty này có quyền góp vốn để đầu tư, thành lập một pháp nhân mới trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 189 Luật doanh nghiệp năm 2014: "Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này". Tức là trong trường hợp hai công ty này có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước thì không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp/pháp nhân mới.
Trường hợp thứ hai, công ty mẹ trong trường hợp này được gọi là tổng công ty hay tập đoàn kinh tế không thuộc công ty mẹ hay tập đoàn kinh tế khác. Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2014: "Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này". Theo đó, công ty mẹ trong trường hợp này sẽ không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng để tham gia các giao dịch, không đượcnhân danh mình tham gia bất kỳ giao dịch, hoạt động nào. Do đó, công ty mẹ này không có quyền góp vốn với công ty con để thành lập một pháp nhân mới.
Như vậy, tùy từng trường hợp, công ty mẹ và công ty con có thể cùng nhau góp vốn để thành lập pháp nhân mới.
Công ty mẹ và công ty con có được góp vốn vào dự án trên mà không thành lập pháp nhân mới:
Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
"1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.
5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh, công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại".
Theo đó,công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng theo quy định của pháp luật. Công ty mẹ và công ty con là hai công ty độc lập với nhau, có con dấu riêng, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.Do đó, hai công tynày có quyền cùng nhau đầu tư để thực hiện một dự án đầu tư. Như vậy, công ty của bạn và công ty mẹ có thể cùng nhau đầu tư để thực hiệnđầu tư thêm một nhà máy trên đất thuê 50 năm của Công ty mẹ.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận