Nội dung chế định pháp luật về vốn trong công ty cổ phần gồm những vấn đề chủ yếu như: vốn điều lệ, tài sản góp vốn, hình thức góp vốn, định giá tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn, xử lí những vấn đề phát sinh trong quá trình góp vốn, cấp giấy chứng nhận góp vốn.
Bản chất của góp vốn xét dưới góc độ kinh tế là góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, phần vốn góp của các cổ đông trở thành tài sản của công ty. Nhờ đó mà công ty mới tyến hành được các hoạt động kinh doanh cũng như bảo đảm quyền lợi cho các đối tác của công ty.
Quy định về việc góp vốn trong công ty cổ phần
Công ty cổ phần (viết tắt là CTCP) được hình thành trên cơ sở góp vốn (hay góp tài sản). CTCP có cách thức tạo lập vốn rất đặc biệt như đã trình bày ở trên, đó là phát hành cổ phiếu. Khi thành lập công ty, các sáng lập viên kêu gọi mọi người mua cổ phiếu.
Dựa trên cơ sở mệnh giá cổ phần, pháp luật xác định vốn điều lệ của CTCP.
Vốn điều lệ CTCP là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Cổ phần đã bán là số cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng kí thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng kí mua. Như vậy, vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm đăng kí thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng kí mua và được ghi trong Điều lệ công ty(theo Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Việc đăng kí mua cổ phần chưa hình thành vốn của công ty, vốn của công ty chỉ thực sự hình thành khi các cổ đông đã thanh toán tyền mua cổ phần.
Về phương diện pháp lí, góp vốn là nghĩa vụ pháp lí quan trọng nhất của các thành viên, khi các thành viên cam kết góp vốn là họ đã tự ràng buộc mình trở thành con nợ của công ty do chính họ tạo lập nên, và công ty là pháp nhân đã trở thành chủ nợ của chính người chủ của mình. Nếu một thành viên đã đăng kí góp vốn mà không góp hoặc góp không đủ, không đúng hạn thì công ty sẽ đòi. Việc góp chậm, thành viên phải trả lãi mà không cần phải có điều kiện là đã bị thúc nợ, và có thể phải bồi thường thiệt hại mà không cần phải chứng minh sự gian tình.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tại khoản 1 Điều 112 như sau: “Các cổ đông phải thanh toánđủ số cổ phần đã đăng kí mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, và nếu Điều lệ công ty có quy định hoặc hợp đồng đăng kí mua cổ phần có quy định khác thì cũng chỉ được quy định ngắn hơn 90 ngày”.
Về hình thức góp vốn trong CTCP vẫn phải tuân theo các quy định chung về góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.
Quy định của pháp luật về tài sản góp vốn
Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kĩ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.
Tài sản theo pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Về phương diện kinh tế, tài sản là một khái niệm động, có tính mục đích sử dụng cao, và phải đáp ứng được nhu cầu của con người, nhất là nhu cầu sử dụng tài sản đó vào các hoạt động kinh doanh. Vì vậy mà ngày nay khi kinh tế phát triển người ta có khuynh hướng mở rộng khái niệm tài sản.
Theo quan niệm về tài sản của pháp luật Việt Nam, có thể chia tài sản góp vốn vào doanh nghiệp thành các loại sau:
- Góp vốn bằng tyền, bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đây là cách góp vốn phổ biến nhất và đơn giản nhất, người góp vốn chỉ việc bỏ tyền ra mua cổ phần của công ty theo mệnh giá do công ty phát ra. Có nghĩa là bỏ tyền ra để mua quyền lợi công ty.
- Góp vốn bằng tài sản hiện vật, thực chất là góp vốn bằng quyền sở hữu đối với vật đó. Vật đó có thể là bất động sản hữu hình hoặc động sản hữu hình.
- Góp vốn bằng quyền tài sản.
- Góp vốn bằng tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Quy định của pháp luật về định giá tài sản góp vốn
Về nguyên tắc, những tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được mang ra định giá.
Việc định giá tài sản góp vốn phải theo nguyên tắc nhất trí, trường hợp việc định giá do tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Hậu quả pháp lí trong trường hợp tài sản mang ra định giá không đạt được sự nhất trí về giá sẽ khó trở thành tài sản góp vốn.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập phải chịu trách nhiệm bằng cách cùng liên đới góp thêm bằngsố chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do công ty và người góp vốn thoả thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và công ty chấp thuận. Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì sẽ dẫn đến hậu quả là người góp vốn và công ty (hội đồng quản trị) cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế.
Định giá tài sản góp vốn có ý nghĩa quan trọng bởi mục đích của định giá trước tyên là xác định giá trị vốn góp của cổ đông, qua đó bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong công ty, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các cổ đông, sau đó, việc định giá sẽ xác định đúng giá trị tài sản của công ty, bảo vệ quyền lợi cho các đối tác của công ty. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới còn quy định, cổ đông có tài sản góp vốn phải định giá không được tham gia biểu quyết việc định giá, họ chỉ được giải thích về những vấn đề có liên quan đến tài sản định giá. Riêng đối với CTCP, thì những người tham gia định giá còn không phải chịu trách nhiệm trước các đối tác của công ty, trừ khi họ có hành vi gian trá hoặc giá trị tài sản định giá có sự sai lệch quá mức.
Sau khi định giá tài sản thành một giá trị được tính bằng Đồng Việt Nam, sẽ được quy đổi thành số cổ phần cho các cổ đông mà họ đã đăng kí mua, tức là thanh toán tyền mua cổ phần.
Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Thu Trang - Công ty Luật TNHH Everest
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Dịch vụ pháp lý thường xuyên dành cho doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
- Hoạt động vì cộng đồng của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận