Quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Khi các vấn đề về sở hữu trí tuệ trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngày càng diễn ra sôi nổi và phức tạp, thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, bên cạnh hệ thống pháp luật, cần có ý thức nghiêm túc và đạo đức kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức.

Hỏi: Nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được Công ty V đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2016. Đầu 2017, Công ty V mới phát hiện Công ty E sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên bảng hiệu công ty. Công ty V đã 3 lần gửi công văn, thư khuyến cáo yêu cầu phía Công ty E chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên biển hiệu nhưng không được phản hồi. Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, ngày 23/5/2017, Công ty V đã làm đơn khởi kiện đến TAND yêu cầu Công ty E chấm dứt hành vi vi phạm. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này việc sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” của Công ty E có phải là hành vi xâm phạm nhãn hiệu không? ( Phong Trần - Thái Bình)


Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Thị Quỳnh - Tổ tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Căn cứ theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về các biện pháp dân sự quy định:

“Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”.

Như vậy, việc Công ty V khởi kiện yêu cầu cơ quan Tòa án tiến hành buộc công ty vi phạm xin lỗi, dừng hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại là đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Công ty V phải chứng minh mình là chủ thể quyền đối với nhãn hiệu; cung cấp cho Tòa án chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nếu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

Hơn nữa, trong phạm vi bảo hộ và thời hạn hiệu lực, Công ty V với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu “Sườn Cây” được độc quyền sử dụng, cho phép hay ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu và định đoạt nhãn hiệu.

Đây là nguyên tắc được quy định tại Điều 123 Luật sở hữu trí tuệ 2005 về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp:

“1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây:

a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;

b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này”.

Đồng thời, Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:

“1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

Tương ứng với quyền của chủ sở hữu, theo đó hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng các dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu Sườn Cây cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc có liên quan đến dịch vụ nhà hàng, ăn uống; có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ mà không có sự đồng ý của Công ty V đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Sườn Cây”

Như vậy, hành vi sử dụng nhãn hiệu “ Sườn Cây” của Công ty E mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu đã đăng ký bản quyền của Công ty V là hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Trường hợp tranh chấp nhãn hiệu “Sườn Cây” chỉ là một trong những ví dụ trong bối cảnh tranh chấp về sở hữu trí tuệ ngày càng tăng. Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, khi các vấn đề liên quan đến sở hữu công nghiệp trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngày càng diễn ra sôi nổi và phức tạp, thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, bên cạnh hệ thống pháp luật Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, cần có ý thức nghiêm túc, tôn trọng quy định pháp luật và đạo đức kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.