Quản trị công ty cổ phần, những điểm cần hoàn thiện của pháp luật Việt Nam

Trao đổi về những những điểm cần tiếp tục hoàn thiện trong quản trị công ty cổ phần, một số giải pháp hoàn thiện quản trị trong công ty cổ phần.

Quản trị công ty cổ phần là một hệ thống các thiết chế, chính sách, quy định nhằm hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, điều hành và giám sát hoạt động của công ty cổ phần. Quản trị công ty cổ phần theo nghĩa rộng nhất nó bao gồm tất cả các mối quan hệ liên quan không chỉ là nội bộ công ty như các cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, người quản lý, người lao động, mà bao hàm cả mối quan hệ với các chủ nợ, người cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, khách hàng, nhà nước, cộng đồng, xã hội với công ty.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Sơ lược về lịch sử phát triển của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam về quản trị công ty cổ phần:


Từ trước đến nay, ở Việt Nam có một số Luật Doanh nghiệp, như sau:

- Đối với doanh nghiệp trong nước: Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990; Luật Công ty năm 1990; Luật sửa đổi một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1994; Luật sửa đổi một số điều của Luật Công ty năm 1994; Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1999; Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003.

- Đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1992; Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000.

- Đối với Doanh nghiệp chung (gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam): Luật Doanh nghiệp năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 (Luật số 38/2009/QH12, luật này sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật doanh nghiệp năm 2013; Luật doanh nghiệp năm 2014; Luật Đầu tư năm 2005; Luật Đầu tư năm 2014.

Pháp luật về quản trị công ty cổ phần của Việt Nam ra đời, bắt đầu từ Luật Công ty năm 1990 cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định cụ thể về quản trị Công ty cổ phần, với vai trò là loại hình doanh nghiệp phổ biến và quan trọng nhất của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thì sự tương thích, đồng bộ với các quy định pháp luật của các quốc gia có nền kinh tế phát triển, đòi hỏi pháp luật Việt Nam cũng phải có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp.

Một số bất cập của pháp luật hiện hành về quản trị công ty cổ phần :



Theo các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, thì quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông thiểu số và nhóm các cổ đông thiểu số nói riêng trong công ty cổ phần chưa thực sự được bảo vệ. Cổ đông và nhóm cổ đông thiểu số gần như bị áp đảo hoàn toàn bởi các cổ đông lớn trong công ty cổ phần, khi có mâu thuẫn về lợi ích hay tranh chấp phát sinh thì các cổ đông thiểu số này luôn chịu những bất lợi. Còn đối với, cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng khi phát hiện những sai sót, gian lận trong quá trình điều hành của các cấp quản lý công ty đều có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành chưa tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cổ đông thực hiện quyền khởi kiện này của mình, trình tự thủ tục khởi kiện còn nhiều phức tạp, tốn kém rất nhiều về thời gian và tiền bạc của các cổ đông.

Các quy định pháp luật về quyền của cổ đông trong công ty cổ phần chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc. Nhiều công ty cổ phần tiến hành đại hội đồng cổ đông ở những nơi xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn, thủ tục ủy quyền phức tạo nhằm hạn chế sự tham gia của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Hiện nay, chưa có nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc bỏ phiếu từ xa đối với các cổ đông. Qua đó có thể thấy, cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng đang bị hạn chế quyền của mình. Đối với nhiều trường hợp, cổ đông thậm chí còn hoàn toàn bất lực trong việc quản trị công ty cổ phần và phải tuân theo mọi quyết định của các cổ đông lớn và các nhà quản lý công ty cổ phần.

- Về hội đồng quản trị và thành viên hội đồng thành viên:

Về bầu dồn phiếu với thành viên hội đồng quản trị, bầu chủ tịch hội đồng quản trị: Theo quy định, tùy quy mô của công ty và các yêu cầu về số lượng thành viên hội đồng quản trị cần phải có, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền đề cử thành viên hội đồng quản trị. Việc bầu chủ tịch hội đồng quản trị cũng bị chi phối mạnh bởi nhóm cổ đông đa số tại công ty.

Về quy định cho phép hội đồng quản trị có quyền thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty theo khoản 5 Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 phải được điều chỉnh chặt chẽ hơn. Đã có nhiều trường hợp, hội đồng quản trị, vì sự chủ quan trong nhận định của mình, ra các quyết định đầu tư và mở rộng kinh doanh sai lầm, gây thiệt hại cho các cổ đông thiểu số.

- Về ban kiểm soát:

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, ban kiểm soát chưa thể hiện đầy đủ vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư. Do đó, rủi ro mà nhà đầu tư và cổ đông phải gánh chịu từ sự "lép vế" của ban kiểm soát là rất lớn.

- Vấn đề công khai, minh bạch hóa thông tin:

Vấn đề công khai, minh bạch hóa thông tin cũng đang đặt ra nhu cầu cấp bách, đòi hỏi các nhà lập pháp cần hoàn thiện các quy định pháp luật về quản trị công ty cổ phần. Theo đó, nghĩa vụ công khai minh bạch hóa thông tin cần phải được các công ty cổ phần thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay, các quy định của pháp luật về công khai hóa thông tin còn mang tính hình thức, sơ sài, chưa có sự tương thích với thông lệ quốc tế. Các quy định của pháp luật cũng cho thấy sự hạn chế rất lớn trong cơ chế kiểm tra và giám sát các thông tin công bố ra ngoài của các công ty cổ phần. Điều này đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho thị trường, cho các cổ đông, cho các nhà đầu tư và cho tất cả các bên liên quan.

Một số hướng hoàn thiện về Quản trị công ty cổ phần:


- Hoàn thiện cơ chế về bảo vệ cổ đông:

Thực tế cho thấy, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền và lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông ở nước ta đang diễn ra phổ biến, đáng báo động. Cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ những cổ đông này, nhất là cổ đông thiểu số là nhiệm vụ cấp bách của Luật Doanh nghiệp.

Quy tắc bầu dồn phiếu quy định tại khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014 với mục đích là bảo đảm cổ đông thiểu số cũng có thể có cử người của mình tham gia hội đồng quản trị nhằm làm cho quản trị điều hành được minh bạch là chưa hiệu quả. Lúc này, cổ đông hay nhóm cổ đông thiểu số phải dồn tất cả phiếu biểu quyết của mình mới cử được một người vào làm thành viên hội đồng quản trị nhưng ngay lập tức có thể bị nhóm cổ đông lớn bãi miễn, kể cả khi nhóm cổ đông thiểu số phản đối việc bãi miễn này. Cần sửa đổi theo hướng bảo vệ cổ đông thiểu số, việc bãi miễn thành viên hội đồng quản trị phải có cơ sở, điều kiện và lý do rõ ràng chứ không cho phép thành viên hội đồng quản trị có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào theo quyết định của đại hội đồng cổ đông được để tránh tình trạng bãi miễn tùy tiện. Các quy định của pháp luật hiện hành còn chưa bảo vệ được những cổ đông thiểu số, những cổ đông mà luôn chịu sự chèn ép của những nhà quản lý và những cổ đông lớn trong công ty cổ phần. Điều này sẽ gây ra cho các cổ đông thiểu số một sự thiệt thòi về mặt lợi ích, những cổ đông này gần như tất cả phải phụ thuộc vào ban lãnh đạo và những cổ đông lớn trong công ty cổ phần, hoàn toàn không thể quyết định được các vấn đề trong chính công ty mà mình đồng sở hữu. Đây cũng là vấn đề cấp thiết đặt ra trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Luật Doanh nghiệp với những quy định chặt chẽ hơn nữa theo định hướng nâng cao quyền của cổ đông, đảm bảo cổ đông thiểu số không bị lấn át trong tổ chức công ty cổ phần.

- Luật hoá quy định về thành viên độc lập hội đồng quản trị:

Thành viên độc lập hội đồng quản trị hiện nay đang là một xu thế tất yếu trong quản trị công ty cổ phần trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2014 mới chỉ đưa ra duy nhất một khoản trong Điều 151 về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên độc lập hội đồng quản trị. Các quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng về đối tượng này trong bộ máy của công ty cổ phần, điều này cần được nghiên cứu bổ sung.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


- Nâng cao hiệu quả của ban kiểm soát:

Trước tiên, cần sửa đổi việc bầu ra ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Theo đó, cơ chế hiệu quả nhất là các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc không được quyền đề cử, giới thiệu và bỏ phiếu bầu ra các thành viên ban kiểm soát. Điều này là hợp lý, bởi ban kiểm soát không điều hành quản lý doanh nghiệp, mà đóng vai trò giám sát hoạt động của hội đồng quản trị và ban giám đốc. Ban kiểm soát cần phải được độc lập hoạt động, tránh tình trạng ban kiểm soát hoạt động vì lợi ích của hội đồng quản trị và ban giám đốc. Các khoản thù lao của ban kiểm soát phải do đại hội đồng cổ đông quyết định. Các khoản thù lao này không bị ảnh hưởng bởi hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc. Điều này sẽ góp phần làm tăng thêm sự độc lập trong hoạt động của ban kiểm soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này.

Đối với mô hình tổ chức quản trị công ty cổ phần hiện tại, có thể thấy Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với các Luật Doanh nghiệp trước đó về việc cho phép công ty cổ phần lựa chọn mô hình tổ chức công ty đơn hoặc đa hội đồng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã chính thức có hiệu lực và đi vào thực tiễn cuộc sống nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cổ phần trong xu thế phát triển hiện tại và tương lai. Ngoài ra, cần hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch hóa thông tin trong quản trị công ty cổ phần để tránh những hành vi gian lận, thao túng công ty và các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của cổ đông.

Với những tồn tại và hạn chế trong các quy định pháp luật Việt Nam về quản trị công ty cổ phần, vấn đề cấp bách đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện Luật Doanh nghiệp cùng các văn bản dưới luật về quản trị công ty cổ phần nhằm theo kịp và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].