Biên bản thỏa thuận phân chia di sản phải được thực hiện bởi tất cả những người thừa kế, và phải qua thủ tục công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý
Hỏi: Ông bà nội cháu sinh được 7 người con: 5 trai và hai gái trong đó bố cháu là con trưởng. Sau đó bố cháu mất sớm rồi mẹ cháu đi bước nữa, cháu theo mẹ về ở với bố dượng. Rồi đến lượt bà nội cháu mất, rồi đến ông nội cháu mất, lúc đó cháu đã ngoài 20 tuổi. Các chú, các cô của cháu bảo ông nội để lại di chúc là làm nhà từ đường và ông không nói rõ là xây như thế nào và ai thừa hưởng mảnh đất kèm theo ngôi nhà mà ông bà đã sinh sống mấy chục năm qua. Bản di chúc đó cháu chỉ được xem qua rồi hiện tại chú nào giữ hay là bị đốt rồi thì cháu ko biết nữa. Vài năm sau thì một chú của cháu lại mất sớm và chưa có vợ con. Rồi 3 chú và hai cô còn lại bàn bạc và làm biên bản có ký tên đầy đủ thống nhất cho chú út xây nhà từ đường kết hợp xây nhà để chú út ở (chú út phá nhà của ông bà đi và xây nhà hai tầng kiên cố) đồng thời chú út đứng ra làm giỗ ông bà, giỗ cụ và giỗ của một chú mới mất nữa, còn giỗ bố cháu thì chú không làm. Biên bản trên được lập ra mà không có sự đồng ý của cháu, cũng không thông báo cho cháu biết nên cháu cũng không nắm được nội dung chi tiết của biên bản đó. Lúc lập biên bản đó cháu đã 25 tuổi. Vậy nếu mẹ cháu và bố dượng cháu ký tên vào đó đồng ý ( thay mặt cháu mà chưa được sự đồng ý của cháu ) thì có hợp lệ không ạ. Và hiện nay các cô các chú lại họp nhau và lập ra biên bản thứ hai với nội dung chính là chia mảnh đất của ông bà nội cháu để lại thành 10 phần trong đó: Chú út giữ 5 phần (viện lý do là đã xây nhà ở kiên cố trên phần đất đó và lo giỗ cho ông bà và ông chú đã mất của cháu - trong khi sang cát cho ông bà và ông chú đã mất thì chú út lại trốn tránh trách nhiệm). Ngoài ra về phần giỗ của bố cháu thì chú út ko tham gia một tí nào cả. 5 phần còn lại chia cho hai cô, hai chú và cháu(thừa hưởng từ suất của bố cháu đã mất để lại). Các cô các chú đã đồng ý và ký hết vào biên bản nhưng cháu không đồng ý với nội dung trên vì hai lý do là chia không công bằng và việc thờ cúng tổ tiên ông bà là trách nhiệm của cháu ( cháu là cháu đích tôn ). Hiện tại cháu mải làm ăn và chưa lập gia đình cũng chưa mua được nhà riêng nên đành nhờ các chú làm giỗ hộ. Vậy cháu muốn hỏi quý công ty là nếu cháu không ký vào biên bản chia tài sản thừa kế,cháu cũng ko có ý kiến phản đối,cháu cũng ko có ý định thưa kiện bất cứ một cô chú nào cả thì các cô các chú ấy có quyền bán mảnh đất và chia cho mỗi người không. Chú út có cách nào để chạy lấy sổ đỏ chính chủ tên chú út không ạ. Chú út có ý định mở trụ sở công ty tại nhà mà chú út xây trên mảnh đất của ông bà cháu (sẽ cải tạo và cơi nới,đầu tư thêm nhiều tiền của vào để sửa thành văn phòng) thì có phải xin ý kiến của cháu không ạ. Nếu chú út cứ ở vậy vài chục năm sau các cô các chú khuất núi hết thì mành đất đó sẽ được xử lí như thế nào? (Khánh Hoàng - Ninh Bình)
Do bạn không nói rõ ông nội để lại di chúc đối với toàn bộ di sản của ông bà, hay chỉ đối với 1 phần của di sản, và yêu cầu xây Từ Đường trên một phần đất đó thôi. Nên chúng tôi tạm thời xác định theo di chúc của ông bà để lại xác định nghĩa vụ xây Từ Đường trên 1 phần của mảnh đất đó, phần còn lại không được xác định trong di chúc, và theo như bạn cung cấp thì trong di chúc không phân chia di sản cho bất kỳ người nào.
Nếu theo di chúc là xây Từ Đường trên toàn bộ phần đất của ông bà, tức là toàn bộ di sản thì những người thừa kế chỉ được phép thực hiện theo Di chúc, và không thực hiện phân chia theo thỏa thuận, cũng như theo pháp luật.
Trường hợp thứ nhất, nếu di chúc hợp pháp, và nay vẫn còn giữ thì đối với phần di sản mà di chúc đã xác định rõ về việc xây dựng Từ Đường trên phần đất nào, thì phải thực hiện theo di chúc, các người con, cháu phải có nghĩa vụ cai quản, trông nom và thờ cúng ông bà tổ tiên, theo chuẩn mực đạo đức. Còn về việc phía những người chú của bạn thỏa thuận giao cho chú út trông nom Từ Đường thì có thể tuân thủ theo thỏa thuận được, và mỗi người đều phải có trách nhiệm đối với phần di sản này.
Trường hợp thứ hai, do bạn cung cấp: bạn không biết di chúc nay còn hay đã bị đốt, trường hợp xảy ra là di chúc đã bị mất, thì không còn căn cứ để chia di sản đó theo di chúc nữa, mà phải thực hiện chia theo pháp luật.
Điều 675Bộ Luật Dân sự năm 2005về những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
"1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Thứ hai, đối với việc tham gia biên bản phân chia di sản:
Theo như bạn cung cấp thì các người thừa kế đang thực hiện thỏa thuận phân chia di sản. Việc thỏa thuận này chỉ được thực hiện cách hợp pháp đối với phần di sản không được định đoạt theo Di chúc.
Theo đó, phần đất ngoài di chúc này sẽ được chia theo Pháp luật. Và những người được thừa kế có quyền tham gia thỏa thuận phân chia di sản, trong đó có: 3 người chú của bạn và 2 người cô (theo hàng thừa kế thứ nhất), bạn (theo trường hợp thừa kế thế vị từ bố của bạn).
Do tại thời điểm thực hiện thỏa thuận này, bạn đã thành niên, nên việc thỏa thuận sẽ được bạn thực hiện trực tiếp, mẹ bạn và dượng không đủ điều kiện để đại diện cho bạn, việc đại diện của mẹ cho con cái tham gia các giao dịch liên quan đến tài sản của con chỉ khi con chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Do đó, biên bản thỏa thuận phân chia di sản này được thực hiện mà mẹ bạn và cha dượng tham gia ký kết thay bạn thì không có giá trị, vì mẹ bạn không có quyền tham gia trong trường hợp này.
Biên bản thỏa thuận phân chia di sản phải được thực hiện bởi tất cả những người thừa kế, và phải qua thủ tục công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý, nếu bạn không tham gia thỏa thuận, không đồng ý với thỏa thuận, thì các chú không có quyền định đoạt trên phần di sản đó.
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận