Những đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Vậy những đối tượng nào thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế?

Hỏi: Hiện tại tôi đang là chủ của một cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng. Thời gian gần đây tôi có nghiên cứu và lai tạo thành công giống loài hoa hồng xanh có thể cho mùi hương thơm đặc trưng và giữ được độ tươi lâu. Nên tôi rất muốn đăng ký quyền sáng chế cho phát minh này của mình. Vậy cho tôi hỏi với giống hoa hồng xanh này tôi có thể đăng ký quyền sáng chế được không? ( Minh Tuấn - Bắc Cạn)



Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Thị Quỳnh - Tổ tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì “sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Theo Điểm b Điều 25.3 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ thì Giải pháp kỹ thuật - đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế - được hiểu là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định. Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

- “Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỉ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;

- Quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định”.

Theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: có tính mới; có trình độ sáng tạo; và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Trong trường hợp sáng chế không đáp ứng tiêu chuẩn về tính sáng tạo nhưng có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thì sáng chế sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu sáng chế này không phải là hiểu biết thông thường.

Theo Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

“1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

3. Cách thức thể hiện thông tin;

4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

5. Giống thực vật, giống động vật;

6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật”.

Như vậy, từ các căn cứ phát luật ở trên có thể khẳng định việc anh muốn đăng ký bằng sáng chế cho phát minh nghiên cứu lai tạo ra giống hoa hồng xanh của anh là không được. Vì nó nằm trong danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế ( khoản 5 Điều 59 Luật sở hữu trí tuệ 2005).