-->

Người mượn đất không trả, đòi lại bằng cách nào?

Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Hỏi: Gia đình tôi có cho một người chị họ mượn đất từ năm 1995 đến nay. Đất và nhà tôi đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận. Nay gia đình tôi muốn lấy lại mảnh đất trên để đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, nhưng người chị họ không đồng ý. Gia đình tôi đã làm đơn xin xác nhận của các hộ liền kề mảnh đất trên về nguồn gốc mảnh đất. Họ đã xác nhận là đất của gia đình tôi. Gia đình cũng đã làm đơn đề nghị Trưởng xóm và UBND xã xác nhận và đã được xác nhận. Xin Luật sư tư vấn, nếu người đó không trả thì nhà tôi có lấy lại được đất không? (Quách Thanh Hoa - Hà Tĩnh)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) thì hợp đồng mượn tài sản được quy định như sau:

"Hợp đồng mượn tài sản" là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

"Điều 514 BLDS quy định vê nghĩa vụ của bên mượn tài sản

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;

2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bênmượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;

4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn".

Điều 517 BLDS quy định về quyền của bên cho mượn tài sản:
" Bên cho mượn tài sản có các quyền sau đây:

1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thoả thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý;

2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thoả thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra."

Bạn có trình bày, năm 1995 gia đình bạn có cho một người họ hàng "mượn" đất để chiếm hữu và sử dụng. Chiểu theo các quy định nêu trên, "mượn đất" phải là căn cứ để phát sinh quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp này là quyền sử dụng đất), nên mượn với thời gian bao nhiêu thì người mượn cũng không thể trở thành chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất trên.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp gia đình bạn có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ. Tức, gia đình phải đưa ra được những tài liệu chứng minh: quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của gia đình; giữa gia đình và người họ hàng thỏa thuận hợp đồng mượn tài sản.

Ngoài ra, gia đình cần lưu ý sẽ thanh toán những chi phí mà người mượn đất đầu tư vào đất để làm tăng thêm giá trị khi yêu cầu đã được đáp ứng (sau khi đòi được lại đất).
Khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

"Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

Điểm a khoản 3 Điều này quy định: “Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính".

Vậy, nếu như UBND cấp xã giải quyết không thành thì gia đình anh (chị) có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.