Điểm a, khoản 3, điều 95 đã quy định rõ ràng rằng người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
Hỏi: Vợ chồng tôi đang có ý định nhờ người mang thai hộ vì sức khỏe vợ tôi rất yếu, không thể sinh con được. Vợ chồng tôi định nhờ chị hàng xóm không có quan hệ gì với gia đình nhờ chị mang thai giúp. Xin hỏi luật sư như vậy có được không? Điều kiện để được mang thai hộ như thế nào? (Huyền Thanh - Hà Nội) Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp
vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ
sinh sản. Với ý nghĩa nhân văn cao cả, các quy định mở rộng về vấn đề mang thai hộ đã được pháp
luật hôn nhân gia đình ghi nhận và nhận được rất nhiều những phản ứng tích cực từ phía người dân và đặc biệt là những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Điều 95, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề này như sau:
Điều kiện của vợ chồng nhờ mang thai hộ
Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
- Vợ chồng đang không có con chung;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Điều kiện của người được nhờ mang thai hộ:
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Là người
thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Ngoài ra, các trường hợp sau đây có thể được xem xét mang thai hộ do nguyên nhân y khoa, nghĩa là một cặp vợ chồng không thể có con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoặc việc mang thai có thể nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người vợ và của trẻ sinh ra:
- Đã phẫu thuật cắt
tử cung do bệnh lý hay do các tai biến sản khoa…
- Không có tử cung hay dị dạng tử cung bẩm sinh
- Người vợ bị bệnh nội khoa nặng không thể mang thai: ví dụ bệnh tim, suy tim…
- Có thể xem xét các trường hợp sẩy thai nhiều lần hay thất bại TTTON nhiều lần, nghĩ do vấn đề liên quan đến tử cung.
Theo những thông tin bạn cung cấp và căn cứ pháp luật chúng tôi đã viện dẫn ở phần 1 nêu trên, những thắc mắc của bạn về vấn đề mang thai hộ chúng tôi xin tư vấn như sau:
- Thứ nhất, nếu việc mang thai có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của vợ bạn và trẻ sinh ra thì vợ chồng bạn hoàn toàn có thể nhờ người mang thai hộ.
- Thứ hai: Vợ chồng bạn dự định nhờ người hàng xóm không có quan hệ thân thích mang thai hộ là không được. Bởi lẽ, điểm a, khoản 3, điều 95 đã quy định rõ ràng rằng người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
Hy vọng với những phân tích của chúng tôi, vợ chồng bạn có thể tìm ra được phương pháp giải quyết tốt nhất cho vấn đề của mình.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận