Tư vấn pháp luật: Nhờ bạn thân mang thai hộ?, của công ty Luật TNHH Everest nhằm phổ biến kiến thức pháp luật.
Hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn được 8 năm, dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể có con. Theo như tôi được biết Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về việc mang thai hộ. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi có thể nhờ bạn thân mang thai hộ không? Nếu nhờ được người mang thai hộ thì việc xác định cha mẹ cho đứa bé như thế nào?(Phạm Vinh - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Tùng Hoa- Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để anh tham khảo, như sau:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con” (khoản 22 Điều 3)
“Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra” (Điều 94)
“Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý” (khoản 3 Điều 95).
Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
“Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ” (Khoản 7 Điều 2)
Như vậy, trong trường hợp này, anh, chị không thể nhờ bạn mình mang thai hộ vì những người được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (nêu trên). Việc xác định cha, mẹ của đứa bé được sinh ra bằng phương pháp nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 94 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm
Bình luận