Người giúp việc gia đình có đủ 12 tháng làm việc cho một chủ nhà thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Người giúp việc có thể thỏa thuận với chủ nhà để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Hỏi: Tôi đã làm giúp việc cho một gia đình trong thành phố được hơn 01 năm. Thời gian tới, tôi muốn xin nghỉ 3 ngày để về chăm sóc con gái (con tôi mới sinh). Tuy nhiên, chủ nhà không đồng ý, và nói nếu tôi nghỉ thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Đề nghị Luật sư tư vấn, pháp luật có quy định nào về ngày nghỉ hàng năm cho lao động giúp việc hay không? (Phạm Hồi, Hưng Yên)
Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/4/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình quy định: “Điều 23. Nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. 2. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định tại Điều 115 của Bộ luật Lao động.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ”.
Như vậy, pháp luật có những quy định về ngày nghỉ hàng năm cho người lao động là giúp việc gia đình (đã trích dẫn trên đây). Cụ thể, anh (chị) được nghỉ hàng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, thời điểm nghỉ do các bên thỏa thuận để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp gối đa 03 năm một lần. Bởi vậy, anh (chị) chỉ được nghỉ hàng năm khi nhận được sự đồng ý của chủ nhà. Khi nghỉ hàng năm, anh (chị) sẽ được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận