Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi, bổ sung với những cải cách mạnh mẽ và sâu rộng, đặc biệt là cải cách về người đại diện theo pháp luậttạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiến hành các hoạt động kinh doanh và tiệm cận hơn với các chuẩn mực của quốc tế. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm đi vào cuộc sống, quy định trên đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định.
Thứ nhất, về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 không đưa ra khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, mà quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ nằm rải rác ở các điều luật quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý của các loại hình doanh nghiệp.
Đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, đã thể hiện bước tiến khi có một điều khoản dành riêng để quy định về người đại diện theo pháp luật. Theo đó, khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Với quy định này, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã ghi nhận chức năng đại diện theo pháp luật trong tố tụng của người đại diện theo pháp luật được quy định từ Điều 85 đến Điều 90 của Bộ luật tố tụng dân sự Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, khái niệm trên chỉ mới đề cập đến việc “thực hiện” giao dịch nhân danh doanh nghiệp mà chưa đề cập đến chức năng “xác lập” giao dịch nhân danh doanh nghiệp - vốn là một trong các quyền hạn then chốt của chế định người đại diện theo pháp luật. Mặc dù, khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thêm quy định mở, đó là người đại diện theo pháp luật được thực hiện “các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”, tức là được thực hiện quyền xác lập giao dịch, song việc không quy định cụ thể quyền hạn này trong văn bản luật chuyên ngành cũng là một hạn chế.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người đại diện là người nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Chính vì vậy, vai trò “xác lập” giao dịch dân sự là một trong những vai trò không thể thiếu trong việc xác định ai là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Thứ hai, về số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Ở Việt Nam, số lượng người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có gì thay đổi so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, đó là chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn là người đại diện duy nhất theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân, còn tất cả các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tháo gỡ sự bế tắc cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với những công ty lớn, có số lượng nhân viên đông và có cơ sở kinh doanh ở nhiều tỉnh thành khi quy định Công ty TNHH và Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, với điều kiện là điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Quy định trên tuy là một trong những điểm mới mang tính đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng xét ở góc độ kỹ thuật lập pháp thì vẫn còn chưa hợp lý khi được đặt ở phần quy định chung, nên sẽ dẫn đến cách hiểu là chỉ có Công ty TNHH và Công ty cổ phần mới có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, còn các loại hình doanh nghiệp còn lại sẽ không được có nhiều người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, công ty hợp danh luôn có ít nhất từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.
Thứ ba, quy định về điều kiện cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định đối với doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đối với Công ty TNHH có hai thành viên trở lên, nếu người đại diện theo pháp luật của công ty trốn khỏi nơi cư trú thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty. Quy định này nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp không bị trống chỗ người đại diện theo pháp luật quá lâu, vì sẽ gây cản trở cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam và nếu doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì khi xuất cảnh mới thực hiện việc ủy quyền nêu trên là chưa được đầy đủ. Luật Doanh nghiệp bắt buộc đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì nhất thiết phải có một người cư trú tại Việt Nam. Thế nhưng, vì một lý do nào đó mà tất cả người đại diện theo pháp luật xuất cảnh, thì doanh nghiệp lại không được phép ủy quyền hoặc nếu có ủy quyền đi chăng nữa mà thời hạn ủy quyền đã hết, thì cũng không được phép kéo dài thời hạn như trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Trong khi doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật và có thể mỗi người chỉ được phân công thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định theo Điều lệ công ty quy định. Như vậy, trong cùng một tình huống hoàn toàn tương tự nhau nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại quy định không thống nhất với nhau, tạo ra sự không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thứ tư, sự mâu thuẫn về khái niệm “người quản lý doanh nghiệpi các quy định còn lại của Luật Doanh nghiệp năm 2014
Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì:
“Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty”.
Quy định này cho thấy, mọi thành viên Hội đồng thành viên đều là người quản lý doanh nghiệp, trong khi đó cơ cấu Hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm tất cả các thành viên của công ty và trong Công ty Hợp danh, Hội đồng thành viên là cơ quan có quyền quản lý cao nhất, bao gồm mọi thành vên của công ty và thành viên góp vốn cũng nằm trong cơ cấu của Hội đồng thành viên. Trong cuộc họp của Hội đồng thành viên, thì thành viên góp vốn chỉ được tham gia và thảo luận, chỉ có quyền biểu quyết về các nội dung có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn; về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thành viên góp vốn không thể trở thành người quản lý doanh nghiệp như định nghĩa tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy, khái niệm người quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 18 Điều 4 đã có sự mâu thuẫn với Điều 55 (về cơ cấu tổ chức quản lý Công ty TNHH hai thành viên trở lên) và Điều 182 (về nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh).
Thứ năm, sự mâu thuẫn giữa khoản 6 với khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và không phù hợp với Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Theo quy định tại khoản 6 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì:
“Đối với Công ty TNHH có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”.
Quy định này cho thấy, đối với Công ty TNHH có hai thành viên trở lên có thể có “thành viên là tổ chức” làm người đại diện theo pháp luật của công ty, trong khi đó khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì chỉ có “cá nhân” mới được làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài ra, điều luật còn liệt kê các tội danh một cách cụ thể như tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng sẽ dễ dàng khi áp dụng. Ngược lại, khi Bộ luật Hình sự bổ sung hoặc bãi bỏ một tội danh như Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” thì việc liệt kê các tội danh như trên sẽ không còn phù hợp. Còn đối với “tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự” thì đó có phải là các tội phạm còn lại được quy định trong Bộ luật Hình sự không, nếu đúng như vậy thì có vẻ việc liệt kê các tội danh như trên lại tỏ ra thừa trong khi đã có quy định “quét” tất cả các tội danh. Có thể lý giải cho quy định này là nhằm mục đích nhấn mạnh các hành vi mà doanh nghiệp thường vi phạm, nhưng dù sao đi nữa việc quy định như vậy vẫn là một sự hạn chế của điều luật.
Thứ sáu, sự không thống nhất trong quy định về người đại diện đương nhiên giữa Công ty TNHH một thành viên với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định những chức danh quản lý đương nhiên hoặc trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật của công ty.
Chẳng hạn, đối với Công ty TNHH một thành viên, trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật. Thế nhưng, cũng cùng là một loại hình doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH hai thành viên trở lên thì lại không có quy định, trong khi đó Điều lệ và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại thể hiện thông tin về người đại diện theo pháp luật. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn quy định quyền và nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng Giám đốc được “ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên”.
Như vậy, theo logic suy nghĩ có thể hiểu, trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên thì Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐTV là một trong hai chủ thể có thể làm người đại diện theo pháp luật. Cho nên, để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, theo chúng tôi cần quy định bổ sung về trường hợp này vào Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]
Bình luận