Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung
Hỏi: Tháng 7 năm 2011, E có vay của ngân hàng E 1,5tỷ đồng, Có thế chấp là thửa đất 372m2 đứng tên Hộ gia đình Mẹ đẻ tôi, Theo hộ khẩu gia đình mẹ đẻ tôi gồm có: Bố tôi, mẹ tôi, chị gái tôi, ba con của chị gái tôi, vợ chồng tôi, và hai con tôi. Và tất cả những thành viên đủ tuổi theo pháp luật đều ký trên hợp đồng bảo lãnh thế chấp.Tuy nhiên, cùng sống trên mảnh đất này có gia đình anh trai cả tôi, gồm hai vợ chồng anh chị, hai con trai, một con dâu và hai cháu nội của anh chị. Và tất nhiên anh chị không ký gì trên hợp đồng thế chấp cả. Và anh chị tôi có tài sản trên đất được xây dựng từ những năm 80 và năm 2000. Trong thời gian vay đến tháng 7/2012 tôi có thanh toán đủ gốc lãi, nhưng sau đó tôi không có khả năng trả nợ nữa. Đến tháng/2013 ngân hàng làm đơn khởi kiện tôi ra toà yêu cầu tôi và gia đình cho xử lý tài sản đảm bảo. Và trong hai năm giữa tôi và ngân hàng thông qua toà làm hoà giải nhưng không thành. Bây giờ cần đưa ra xét xử. Khi bắt đầu làm hồ sơ, thẩm phán có hướng dẫn tôi đưa gia đình anh cả tôi vào, và hướng dẫn gia đình anh cả tôi làm đơn bác bỏ yêu cầu của ngân hàng. Nhưng hiện nay thẩm phán lại nói gia đình anh cả tôi không có quyền lợi gì trên đất, Chỉ có quyền lợi trên tài sản trên đất thôi. Đề nghị Luật sư tư vấn, trong trường hợp này gia đình anh trai cả tôi có quyền lợi trên đất không, và tôi cần làm như thế nào (vì diện tích 372m2, của anh tôi 200m, tôi chỉ có 172m2, vì bố mẹ và gia đình đã phân chia như vậy và anh chị đã xây dụng trên diện tích này, nhưng bố mẹ tôi vẫn còn nên chưa tách cho ai cả, bố mẹ tôi đều trên 80 tuổi). (Thanh Hằng - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật đất đai Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình theo quy định Luật đất đai 2003 tại thời điểm được cấp cho những người đứng tên trong sổ hộ khẩu thì được coi là tài sản chung của tất cả những người trong hộ khẩu đó.
Hộ gia đình được quy định tại Bộ luật dân sự 2005 như sau:
Ðiều 106. Hộ gia đình
"Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này".
Ðiều 108. Tài sản chung của hộ gia đình
"Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ".
Điều 214 quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản…Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung".
Trong trường hợp của bạn, anh cả bạn không có tên trong sổ hộ khẩu của mẹ bạn, cho nên thẩm phán cho rằng anh cả bạn không có quyền lợi gì trên đất, chỉ có quyền lợi trên tài sản trên đất thôi là hoàn toàn có căn cứ.
Vì đứng tên hộ gia đình, nên xác định trên giấy tờ chỉ những người có tên trong giấy sẽ có quyền được hưởng tài sản này. Tuy nhiên, tại thời điểm này không xác định quyền sử dụng đất với anh trai bạn. Nhưng anh trai bạn có quyền được thừa kế số tài sản của mẹ bạn khi mẹ bạn mất đi theo quy định của pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận