Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Hỏi:Trên đường đi làm tới công ty, đi xuống một cái dốc thì một con chó chạy qua đường làm một người ngã, sau đó có một chiếc xe đi trước tôi đâm vào cũng bị ngã thì lúc đó tôi cũng đi tới và đâm vào phía sau xe thứ hai.Kết quả là xe tôi bị vỡ yếm xe nouvo RC đời mới và bị trầy xước ở chân. Còn người đi phía trước tôi thì người không có vấn đề gì chỉ có xe bị vỡ phần nhựa bọc ngoài của đèn hậu, cong biển số xe và vỡ một mảnh phần hông sau của xe sirius. Sau đó tôi đưa xe đi sửa và hết hơn một triệu đồng. Còn người đi trước tôi cũng bị sửa xe hết hơn một triệu nhưng người đó bắt tôi phải chịu chi phí sửa xe đó. Vậy cho tôi hỏi là trong trường hợp đó tôi có phải đền bù cho người đó không? (Danh Vọng - Kiên Giang)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật giao thông Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Điều 623.Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Như vậy, trường hợp của bạn thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (phương tiện giao thông vận tải cơ giới). Theo quy định tại khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự và quy định tại Nghị quyết sô 03/2006/NQ-HĐTP thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi. Tuy nhiên, vì người thiệt hại cũng có lỗi (không chú ý quan sát) nên bạn chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình theo quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005.
Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Điều 617.Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường".
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận