Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác
Em tôi điều khiển xe máy rẽ trái thì bị xe ô tô đi ngược chiều đâm vào, hậu quả em tôi bị thương, xe của hai bên đều bị hư hỏng. Cảnh sát giao thông có lập biên bản, nhưng gợi ý hai bên nên tự thỏa thuận việc bồi thường. Tôi nghe nói, nếu xe ô tô va chạm với xe máy, thì ô tô phải bồi thường. Đề nghị Chuyên mục tư vấn, pháp luật có quy định này không, cụ thể như thế nào (Hoàng Yến, Từ Liêm, Hà Nội)
Trong thư, anh (chị) chưa nêu rõ cơ quan chức năng đã có kết luận về lỗi của các bên trong vụ tai nạn giao thông như thế nào. Do đó, chúng tôi chưa thể đưa ra những tư vấn chi tiết, mà chỉ có thể có một số ý kiến sơ bộ, như sau:
Khoản 18 Điều 3 Luật GTĐB năm 2008 quy định: Phương tiện giao thông vận tải cơ giới (gọi tắt là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự. xe cơ giới được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.
Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định riêng về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cụ thể: Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; (ii) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại (Điều 623).
Căn cứ các quy định trên, chủ sở hữu xe, người lái xe ô tô gây tai nạn, kể cả khi không có lỗi, nhưng làm thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản… của người khác thì phải bồi thường, chỉ trừ một số trường hợp do pháp luật quy định. Nhưng anh (chị) cần lưu ý, xe máy cũng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, nếu trong vụ tai nạn, xe máy gây thiệt hại cho người khác, thì chủ sở hữu xe, người lái xe máy cũng phải có trách nhiệm bồi thường.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận