Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Hỏi: Anh trai của em có thuê một lô đất để mở cửa hàng bia kinh doanh của một công ty với hợp đồng 03 năm. Sau 02 năm, công ty này có văn bản gửi cho anh của em xin hủy hợp đồng nhưng anh em không đồng ý, hai bên thỏa thuận và anh em tiếp tục thuê lô đất đến hết năm thứ ba, trong giai đoạn này do làm ăn thua lỗ nên anh em không trả được 10 tháng tiền thuê đất. Hết hạn hợp đồng (không gia hạn thêm) bên công ty kia yêu cầu anh trai em trả đất và hoàn trả số tiền thuê đất. Anh em xin giảm tiền thì công ty kia đồng ý giảm 2 tháng tiền thuê (tiền hỗ trợ di dời tài sản) và yêu cầu anh trai em hoàn trả mặt bằng. Bên công ty kia nhiều lần gửi văn bản yêu cầu anh trai em di dời tài sản và định ngày không di dời thì không chịu trách nhiệm về tài sản. Anh trai em đã di dời một số tài sản nhưng tài sản gồm: tường bao, cổng ra vào, tường xây quán bia thì chưa di dời. Quá hạn theo thông báo của công ty bên kia nên họ đã đến xây dựng và phá dỡ một số hạng mục của anh em (những tài sản này anh trai em không thông báo cho công ty kia và cũng không gửi tài sản còn lại cho công ty kia nhờ trông giữ). Em xin hỏi tài sản bị hư hại kia anh em có yêu cầu bồi thường được không?Anh trai em phải làm gì trong trường hợp này? (Thế Anh - Hà Nam)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật hợp đồng Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 604 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
"Điều 604.Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường".
Bên cạnh đó, điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2005:
"Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
1. Tài sản bị mất;
2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại".
Theo quy định trên, anh bạn có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Nếu hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường, anh bạn có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Cần chú ý, trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án sẽ "căn cứ các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó, thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng"(có thể tham khảo thêm tại Điều 2 phần 1 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng).
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận