Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.
Hỏi: Tôi năm nay 25 tuổi, chồng tôi 37 tuổi. Chúng tôi làm lễ ăn hỏi vào ngày 10/06/2015 (âm lịch). Vì chồng tôi đã khá lớn tuổi, gia đình lại chưa có cháu nội nên 02 vợ chồng đã bàn với nhau về kế hoạch sinh con trước rồi sẽ kết hôn sau. Tháng 07/2015 thì tôi mang thai và đến lúc này tôi đã mang thai được hơn 07 tháng. Nhưng trong quá trình mang thai chồng tôi không những không quan tâm, chăm sóc và lo lắng mà thậm chí còn nghi ngờ tôi, và nói rằng khi sinh con ra sẽ đi xét nghiệm ADN nếu là con của chồng tôi thì chồng tôi sẽ có trách nhiệm còn từ lúc tôi mang thai đến khi sinh tôi phải tự lo tất cả mọi thứ. Vì thương chồng tôi và thương con tôi đã rất cố gắn đi làm cực lực để có tiền lo cho con, trong khi đó chồng tôi thì lại rất thảnh thơi, thậm chí còn có những mối quan hệ ngoài luồng khác. Gia đình chồng tôi thì nói chỉ cần đứa nhỏ vì nó là con trai trong khi đó sinh con xong tôi lại không có công việc gì ổn định nên gia đình chồng tôi chắc chắn bằng mọi cách sẽ dành quyền nuôi con của tôi. Với tư cách của một người mẹ tôi không bỏ con mình được, nhưng trước những mưu mô tính toán và thủ đoạn của gia đình chồng tôi, tôi rất sợ sau này con tôi sinh ra họ sẽ làm khó dễ cho tôi và con tôi. Tôi muốn hỏi bây giờ cho đến lúc tôi sinh con ra tôi phải làm gì để tôi có quyền nuôi con và buộc chồng tôi phải cấp dưỡng cho con tôi? (Huỳnh Anh - Hà Nội)
Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Do thông tin bạn cung cấp không nêu rõ bạn và chồng bạn đã đăng ký kết hôn hay chưa nên có thể xảy ra một trong hai trường hợp sau đây:Trường hợp thứ nhất:Bạn và chồng bạn đã đăng ký kết hôn nhưng chưa tổ chức đám cưới.Trong trường hợp này, mặc dù hai bạn chưa tổ chức đám cưới nhưng đã đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã thì được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”. Theo đó, đứa trẻ bạn sắp sinh là con chung của vợ chồng bạn. Vì vậy, chồng bạn đương nhiên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ với bé theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp thứ hai:bạn và chồng bạn chưa đăng ký kết hôn.Trong trường hợp này, bạn và chồng bạn không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Nên bé được sinh ra là con riêng của bạn, tuy nhiên, pháp luật không tước bỏ quyền của người cha đối với con. Theo Khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình, “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”. Do vậy, sau khi bạn sinh đứa bé thì chồng bạn có quyền yêu cầu Tòa án xác định đứa bé là con mình. Nếu chồng bạn có đầy đủ chứng cứ chứng minh anh ta là cha đứa trẻ thì Tòa án sẽ công nhận họ là cha con.
Theo đó, chồng bạn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người cha đối với con theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, cấp dưỡng, thừa kế,...Như vậy theo những quy định trên thì nếu sau khi bạn sinh con mà chồng bạn muốn nhận đứa bé thì có thể yêu cầu Tòa án xác định là cha đứa bé và nếu có tranh chấp về quyền nuôi con thì dù bạn và chồng bạn chưa có đăng ký kết hôn cũng sẽ được giải quyết như trường hợp ly hôn.
Theo đó, Khoản 2, Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Bên cạnh đó theo quy định tại khoản 2Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi consau khi ly hôn: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”Như vậy, nếu sau khi bạn sinh bé có tranh chấp về quyền nuôi con mà con bạn do dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho bạn nuôi trừ trường hợp bạn với chồng bạn thỏa thuận để chồng bạn nuôi con. Và theo quy định của pháp luật chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng khi không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng bé.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận