Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:...
Hỏi: Tôi vào làm cho công ty TNHH TM&SX nội thất Giang Ngọc có nộp hồ sơ đầy đủ và công ty yêu cầu tôi phải nộp bằng đại học gốc (có biên bản bàn giao). Đến ngày 25/10/2016 tôi xin nghỉ với lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên tôi xin nghỉ để đi xuất khẩu lao động Nhật.Sau ngày nghỉ việc, tôi đến công ty và bàn giao toàn bộ công cụ dụng cụ làm việc cũng như các khoản nợ với công ty, nhưng công ty không hẹn ngày trả lại bằng gốc và lương tháng 10/2016 của tôi. Khi tôi đến công ty thì phải hẹn trước, và mọi liên lạc đều qua nhân viên hành chính của công ty vì giám đốc không nghe điện thoại của tôi, mấy lần trước gặp mặt giám đốc đều tránh mặt và không thanh toán bất cứ cái gì cho tôi hết. Ngày 18/11/2016 tôi có hẹn với giám đốc lúc 9h30 nhưng mãi đến 10h giám đốc mới ra gặp mặt và nói: tôi muốn lấy lại bằng thì nộp cho công ty 10 triệu và công ty sẽ trả bằng còn 10triệuvà tiền lương thì công ty sẽ xem xét tính sau. Hiện nay tôi không có tiền, nên không thể đưa cho công ty được, nhưng vì công việc nên tôi cần bằng gốc của mình. Vậy tôi cần làm gì để có thể lấy lại bằng gốc của mình mà không mất số tiền kia? (Thiên Minh - Hồ Chí Minh)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Về vấn đề công ty giữ bằng đại học của bạn :
Điều 20, Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:
"Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động."
Công ty giữ bằng đại học bản chính của bạn là trái quy định của pháp luật.
- Về vấn đề bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
Theo quy định tại điều 37 Bộ luật lao động 2012 thì bạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp :
"d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;".
Theo hướng dẫn tại điều 11, Nghị đinh 05/2015/NĐ-CP quy định cụ thể trường hợp này như sau:
"2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại điểm d, khoản 1, điều 37 Bộ luật lao động trong các trường hợp sau đây:a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động".
Như vậy, lý do chấm dứt hợp đồng lao động của bạn là đúng pháp luật (đối với hợp đồng xác định thời hạn, còn hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì bạn không cần phải thuộc một trong các lý do quy định tại điều 37 Bộ luật lao động 2012). Bạn cần báo trước 30 ngày (nếu hợp đồng của bạn xác định thời hạn), 45 ngày (nếu hợp đồng không xác định thời hạn ).
- Khi chấm dứt hợp đồng lao động, thì công ty có nghĩa vụ theo điều 47 cụ thể như sau:
"Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán."
Như vậy, công ty có trách nhiệm trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động phải thanh toán đầy đủ nợ lương cho bạn cũng như trả lại các giấy tờ cho bạn. Công ty yêu cầu bạn trả 10 triệu thì mới trả bằng đại học là trái quy định của pháp luật.
- Khoản 2, Điều 5, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định như sau:
"2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.3. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này."
- Bên cạnh đó, tại điều 8 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 8. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.2. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt của số tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với hành vi không trả hoặc trả không đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này;b) Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này."
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn gửi đến Phòng lao động thương binh xã hội để yêu cầu hòa giải hoặc gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi công y đặt trụ sở chính để yêu cầu giải quyết.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận