Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động kể cả cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong hợp tác xã...
Hỏi: Tôi là người đại diện công ty theo pháp luật (có tên trong Giấy ĐKKD), vậy theo luật lao động, tôi có phải tham gia bảo hiểm xã hội hay không? (Hoàng Khang - Hà Nội)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Người đại diện theo pháp luật trước tiên được quy định trong Bộ luật Dân sự, theo đó đây là người đứng đầu pháp nhân (là các doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp tư nhân không được coi là pháp nhân) và được ghi trong điều lệ hoặc quyết định thành lập. Và với tư cách người đại diện theo pháp luật, họ có quyền nhân danh doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của doanh nghiệp Luật Doanh nghiệp không có quy định nào cụ thể hơn về người đại diện theo pháp luật mà chỉ xác định ai là người đại diện trong doanh nghiệp đối với từng loại hình doanh nghiệp (chủ tịch hội đồng thành viên và giám đốc đối với công ty TNHH, chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc đối với công ty cổ phần…).
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. (Khoản 2 Điều 3 Luật BHXH năm 2006. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 2 Nghị định 152/2006/NĐ-CP Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Nghị định này bao gồm:
"Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động kể cả cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên."
Theo nguyên tắc, có quan hệ tiền lương ( theo hợp đồng từ ba tháng trở lên) là thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp của bạn, cần phân biệt một trong hai trường hợp:
- Nếu người đại diện theo pháp luật do hội đồng quản trị phân công, được trả công để điều hành doanh nghiệp ( bằng văn bản) thì người đại diện theo pháp luật đó phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội với tư cách là người làm công ăn lương theo chế độ hợp đồng lao động. Tương tự như vậy, nếu người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp được người chủ thuê làm việc cũng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Nếu người đại diện theo pháp luật quản lý và điều hành tài sản của mình, hưởng lợi nhuận từ kinh doanh của doanh nghiệp ( không có thù lao cho việc đại diện theo pháp luật và không theo hợp đồng lao động) thì không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận