Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Hỏi: Công ty tôi sắp mua 1 bản quyền phần mềm từ nước ngoài về, và tôi có 1 số thắc mắc mong được luật sư giải đáp về thủ tục pháp lý để tôi có thể chuẩn bị 1 cách tốt nhất những giấy tờ cần thiết cho công việc sau này thuận lợi hơn: Theo tôi tìm hiểu được thì những giấy tờ cần thiết để đăng kí bản quyền phần mềm gồm có: - Bản sao có công chứng Giấy đăng ký kinh doanh; - Giấy uỷ quyền (ký và đóng dấu);*Về mục này tôi có thắc mắc là khi tôi đứng tên mua bản quyền, vậy tôi muốn giao cho nhân viên mình đi đăng ký tôi sẽ phải có giấy ủy quyền này cho nhân viên mình đúng không ? - Giấy xác nhận quyền chủ sở hữu tác phẩm; - Giấy cam đoan của tác giả sáng tác tác phẩm do nhiệm vụ được giao; *Nếu tác giả của tác phẩm không phải là người của công ty tôi thì tôi sẽ không cần giấy này đúng không ạ?* - Bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân của tác giả;\ *Tôi muốn hỏi : Nếu là người nước ngoài thì cần những gì để thay cho mục này ?* - 02 đĩa CD ghi nội dung phần mềm - Ba (03) bản in tác phẩm được đóng thành quyển. *Về mục này có phải 3 bản in này sẽ giới thiệu chi tiết về tác phẩm, hay là gì khác ? là về thủ tục pháp lý khi mua bản quyền phần mềm nước ngoài còn có gì khác đối với việc đăng ký bản quyền trong nước không ạ? Đề nghi Luật sư tư vấn. (Việt Anh - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
"1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.3. Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt."
Như trường hợp cụ thể của bạn, công ty bạn mua bản quyền phần mềm từ nước ngoài vào, phải có Hợp đồng chuyển nhượng/ mua bán từ phía công ty nước ngoài. Chúng tôi xin được trả lời các câu hỏi của bạn như sau:
- Về việc Giấy ủy quyền cho nhân viên công ty bạn: không cần thiết ủy quyền cho nhân viên công ty bạn đi đăng ký, mà chỉ cần Giấy giới thiệu đến làm việc tại Cục Bản quyền tác giả Việt Nam.
- Giấy cam đoan của tác giả sáng tác tác phẩm do nhiệm vụ được giao: Vì bản quyền phầm mềm bạn mua từ nước ngoài nên bạn chỉ cần Hợp đồng chuyển nhượng/ mua bán mà không cần Giấy cam đoan của tác giả.
- Bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân của tác giả: Nếu là người nước ngoài thì thay thế bằng Hộ chiếu của tác giả sáng tạo ra tác phẩm.
- Ba (03) bản in tác phẩm được đóng thành quyển: Nội dung bản in tác phẩm được đóng quyển thể hiện y như nội dung trong đĩa CD phần mềm tác phẩm.
- Về thủ tục pháp lý khi mua bản quyền phần mềm nước ngoài còn có gì khác đối với việc đăng ký bản quyền trong nước không: Bạn tiến hành làm hợp đồng mua/ hợp đồng chuyển nhượng bản quyền, hợp đồng bằng tiếng Anh hoặc tiếng của quốc gia sở tại và dịch công chứng ra tiếng Việt. Hai bên cùng ký, đóng dấu giáp lai.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận