Công ty Luật TNHH Everest tư vấn trường hợp công ty không trả bằng đại học gốc cho người lao động.
Hỏi: Tôi có làm cho một công ty (A) từ đầu năm 2013 sau đó xin nghỉ việc tháng 4/2016 để chuyển sang một công ty khác.Công ty A này giữ bằng gốc của tôi, đóng bảo hiểm chậm 1 năm so với thời gian làm việc thực tế. Khi tôi xin nghỉ ở công ty (A) Giám đốc chuyển cho Phó Giám Đốc giải quyết và thỏa thuận với tôi. Tôi đồng ý và hoàn thành các công việc được yêu cầu trước khi chính thức nghỉ việc tại đây. Có ký biên bản bàn giao công việc.Tôi xin nghỉ từ 1-4-2015 tới cuối tháng 4 bắt đầu nghỉ và ký bàn giao công việc đầu tháng 5/2015. Tuy nhiên công ty vẫn giữ lương tháng 3 và tháng 4 năm 2015 không thanh toán. Các thủ tục về bảo hiểm y tế không giải quyết. Bằng ĐH không trả lại cho tôi.Vậy xin luật sư tư vấn giúp tôi nên làm gì để buộc công ty phải thực hiện các trách nhiệm với mình? Công ty đó có phải bồi thường cho tôi không? (Ngo Văn Lực - Thái Bình)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất: Công ty không thanh toán tiền lương cho người lao động
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì người sử dụng lao động vi phạm quy định về chế độ tiền lương sẽ bị xử lý như sau:
Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định:
"...3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên..."
Như vậy, tùy thuộc vào việc Công ty có hành vi vi phạm đối với nhiều người lao động hay không, từ đó mới đưa ra được mức xử phạt cụ thể đối với hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động của Công ty của bạn. Bạn có quyền yêu cầu Công ty trả lương cho mình theo quy định tại khoản 6 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
"...6. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này..."
Thứ hai: Công ty không trả lại bằng Đại học cho người lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động thì khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”.
Mặt khác theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định:
“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;”
Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn bị buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Như vậy, nếu công ty mà giữ bản gốc bằng đại học của người lao động thì công ty đó đã vi phạm pháp luật. Theo đó, nếu bạn trong hoàn cảnh đó và muốn lấy lại bằng đại học, bạn hãy đến trực tiếp yêu cầu công ty trả lại hồ sơ gốc cho mình. Nếu công ty không trả thì bạn hãy nhờ đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính công ty theo quy định trên và cơ quan có thẩm quyền sẽ buộc công ty đó trả lại hồ sơ gốc cho bạn. Cụ thể là bạn có thể làm đơn gửi đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở làm việc của công ty để xử phạt hành vi vi phạm hành chính của công ty.
Thứ ba không giải quyết thủ tục bảo hiểm y tế cho người lao động, ở đây bạn không nói rõ là thủ tục gì. Ở đây, chúng tôi đưa ra trường hợp là Công ty không trả sổ bảo hiểm cho bạn. Như vậy sẽ bị xử lý như sau:
Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động quy định:
"3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động."
Như vậy, hành vi không trả sổ bảo hiểm là vi phạm pháp luật rõ ràng của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định xử phạt với hành vi này. Khi nhiều lần yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ trả sổ nhưng không thực hiện, bạn gửi đơn khiếu nại tới hòa giải viên lao động - Phòng lao động thương binh xã hội (đây không phải thủ tục bắt buộc). Trong trường hợp, hòa giải viên không giải quyết thỏa đáng, bạn có thể gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân huyện nơi Công ty đặt trụ sở về việc người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ trả sổ bảo hiểm.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận