-->

Luật sư tử tế - Kỳ vọng vào xã hội ‘thượng tôn pháp luật’

Công ty Luật TNHH Everest phải là nơi hội tụ của những ‘luật sư tử tế’.

Trong lúc giải lao của một cuộc họp Công ty Luật TNHH Everest vào đầu năm, tôi đã hỏi mọi người: theo các bạn, thế nào gọi là một ‘luật sư tử tế’ (?). Khi mọi người trình bày nhiều quan điểm và tôi thấy rằng, đối với nhiều người, thậm chí là cả luật sư đã có kinh nghiệm, khái niệm này có vẻ khá mơ hồ. Do đó, tôi đề nghị với các thành viên trong Công ty Luật TNHH Everest suy nghĩ và xây dựng một cách ‘tử tế’ về nội hàm của ‘luật sư tử tế’.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, có lẽ trong Tuyên bố chung “Luật sư tử tế” của Công ty Luật TNHH Everest sẽ cần có nội dung: Kỳ vọng vào xã hội ‘thượng tôn pháp luật’.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


[1] Nhớ lại 25 năm trước, vào mùa hè năm 1994, trong lúc chờ đợi nộp hồ sơ nhập học đại học, tôi được xem bộ phim “Philadelphia” (Mỹ) - chủ đề xoay quanh HIV/AIDS, đồng tính luyến ái và chứng ghê sợ đồng tính luyến ái. Bộ phim về câu chuyện của Adrew Beckett - một luật sư có năng lực, làm việc lâu năm trong công ty luật lớn nhất ở Philadelphia. Beckett đồng tính luyến ái, sau đó bị AIDS. Khi Công ty luật phát hiện ra điều này, Beckett bị kỳ thị và bị sa thải. Backett đã quyết định kiện công ty luật và nhờ nhiều luật sư bào chữa cho mình, nhưng tất cả đều từ chối. Đồng nghiệp thân cận của Backett là Joe Miller là một người ghê sợ đồng tính luyến ái và biết rất ít về AIDS. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về cơ chế lây truyền của HIV và chứng kiến đối xử của nhiều người đối với Beckett, Miller đã đồng ý bào chữa cho Backett. Sau một thời gian dài vượt qua nhiều trở ngại và khó khăn để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, luật sư Miller thuyết phục được Bồi thẩm đoàn quyết định Backett thắng kiện, buộc công ty luật phải bồi thường cho sự đau đớn, chịu đựng của anh. Bộ phim kết thúc bằng cảnh đám tang Beckett... Bộ phim “Philadelphia” lúc đó làm tôi thực sự xúc động và đã tác động rất lớn đến suy nghĩ của tôi về nghề Luật. Tôi thấy Miller như một người hùng, anh ấy kiên định để vượt qua hết trở ngại này đến trở ngại khác và tôi bắt đầu mơ ước có ngày trở thành Luật sư.

Khi học phổ thông, tôi thích nhất là môn toán. Khi học toán và làm toán, tôi không quan tâm nhiều đến điểm số. Niềm vui của tôi trong học tập là tìm cách giải được những bài toán khó - điều không có nhiều ở các môn học khác. Khi đã giải được một bài toán khó thì tôi cố gắng tìm ra quy luật của của nó. Khi tìm được, tôi tự xây dựng ra những đề toán tương tự và nâng cấp nó lên. Có những bài toán tự tôi ra đề và loay hoay cả tuần để giải nó. Ba năm phổ thông trung học, tôi luôn định hướng trở thành kỹ sư và ngành mà tôi lựa chọn là Công nghệ thông tin hoặc Điện tử của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mà chưa bao giờ nghĩ tới ngành Luật. Kỳ thi đại học năm 1994, chúng tôi được đăng ký thi 04 Trường. Đại học Luật Hà Nội nằm trong nhóm trường đại học tổ chức thi cuối cùng. Tôi thi Đại học Luật Hà Nội là bởi các nhóm trường này, có vẻ Đại học Luật Hà Nội là nổi nhất, đơn giản chỉ có vậy. Thực tế, năm đó Đại học Luật Hà Nội gần như lấy điểm trúng tuyển cao nhất trong các trường đại học khối A: 23,5 điểm. Khi thông báo đỗ, tôi thấy vui vì đã đỗ vào Đại học Luật Hà Nội có điểm trúng tuyển cao nhất, nhưng thực tình lúc đó không hề suy nghĩ sẽ học Luật.

Chỉ khi được xem bộ phim “Philadelphia”, quan điểm của tôi về nghề nghiệp và nghề Luật đã thay đổi. Tôi đã quyết định không nộp hồ sơ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội mà nộp sang Đại học Luật Hà Nội. Về quyết định này, nhiều lúc khi gặp khó khăn tôi vẫn tự hỏi lại mình: phải chăng mình đã chọn nghề Luật chỉ vì một lúc ngẫu hứng (?), Tại sao mình lại quyết định từ bỏ đam mê thuật toán để chuyển sang một lĩnh vực khác biệt hẳn (?). Câu trả lời: tôi tin và yêu ‘Lẽ công bằng’. Khi còn là trẻ con, tôi có thể vì bảo vệ mình, bảo vệ em, bảo vệ bạn mà chiến đấu với những đối thủ lớn hơn, khỏe hơn nhiều và tôi không bao giờ lùi bước. Trong cuộc sống, thấy rằng mình đúng, tôi giữ quan điểm, mặc dù có thể vì thế mà thiệt thòi. Tôi tin rằng, tinh thần đó, cách làm đó tôi sẽ tiếp tục giữ vững được.

[2] Nhớ lúc đó là năm 2007, tôi vừa lấy Thẻ Luật sư. Tôi tình cờ gặp lại người bạn cũ cùng học Đại học Luật Hà Nội. Khi ra trường, bạn vào công ty luật làm việc còn tôi vào Báo Lao Động. Tôi hào hứng khoe là mình vừa có Thẻ luật sư. Thế nhưng cậu bạn dội vào tôi ‘gáo nước lạnh’: “Tôi bỏ nghề luật chuyển qua kinh doanh rồi Minh”. Bạn nói, luật sư bây giờ lộn xộn, làm việc cho khách hàng đi đâu cũng phải phong bì thì việc mới trôi. Ra Tòa thì ‘chạy án’. Nếu không ‘chạy’ thì có khi hỏng việc của khách hàng mà ‘chạy’ thì rất khó chịu, luật sư chẳng khác gì ‘cò’. Bạn đã quyết định chuyển sang kinh doanh. Kinh doanh thì bạn vẫn cần quan hệ, có thể vẫn ‘chạy’, nhưng bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nói chuyện xong với bạn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Nếu phải lựa chọn, làm luật sư mà phải bỏ đi các nguyên tắc của mình để tồn tại thì làm để làm gì (?); Giữa một bên là lợi ích của khách hàng và một bên là đạo đức nghề nghiệp, chọn thế nào (?). Trước đó, khi học Khóa đào tạo luật sư, tôi nhớ một số lần vấn đề này đã đặt ra, các thầy và các bạn đề cập đến nó khá chung chung. Thực tình thì lúc đó vì chưa có thực tế, nên tôi không quan tâm nhiều lắm. Nhưng đúng là sau khi vào nghề, tôi thấy đây đúng là một câu hỏi thực sự hóc búa. Nhiều luật sư có thể cũng như tôi sé cảm nhận thấy rõ, những vụ việc có sức mạnh can thiệp của quyền lực hoặc đồng tiền, ‘công lý’ và ‘lẽ công bằng’ có thể ‘cong’ đi rất nhiều. Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, thực sự luật sư trong hoàn cảnh đó đứng trước rất nhiều áp lực, thậm chí áp lực ngược từ chính khách hàng.

Trả lời câu hỏi này, tôi tìm hiểu nhiều và đọc nhiều. Tôi thấy rằng, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong… những đất nước này rất phát triển, nhưng vài chục năm trước cũng trải qua những giai đoạn quá độ. Cũng có những giai đoạn pháp luật bị lũng loạn, tham nhũng tràn lan. Nhưng khi nền kinh tế phát triển đến một mức nhất định, pháp luật sẽ lên ngôi, tham nhũng sẽ giảm dần. Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam cũng vậy, với nền kinh tế phát triển như hiện tại thì xu hướng ‘thượng tôn pháp luật’ sẽ sớm là chủ đạo mà thôi.

Nhân kỷ niệm 10 năm Công ty Luật TNHH Everest (29/09/2009 - 29/09/2019)
Nhân kỷ niệm 10 năm Công ty Luật TNHH Everest (29/09/2009 - 29/09/2019)

[3] Tôi đã hành nghề luật sư được hơn 10 năm, thời gian này tôi cũng đã thấy có những nhiều sự thay đổi trong lĩnh vực cả lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngày càng nhiều hơn những khách hàng tìm đến để nhờ chúng tôi giúp họ ‘kinh doanh tử tế’, đúng luật mà không phải để gỡ những rắc rối do không hiểu biết pháp luật hoặc cố ý làm trái luật. Tôi vẫn thường nói với các đồng nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ trong Công ty Luật TNHH Everest về điều đó. Với khách hàng, tôi thường trao đổi quan điểm rằng, nếu đã tiếp cận luật sư họ trước hết phải tin vào vào 'công lý', tin vào ‘lẽ công bằng’ và luật sư hỗ trợ họ để tìm kiếm được công lý, lẽ công bằng mà không phải là thứ khác.

Là luật sư không nên chỉ phàn nàn rằng, xã hội lộn xộn, pháp luật lộn xộn hoặc đợi đến lúc có ‘thượng tôn pháp luật’ rồi mới quyết định hành nghề hay thay đổi để trở thành 'luật sư tử tế'. Nếu mỗi người làm nghề luật đều tin ‘thượng tôn pháp luật’ là tất yếu và có hành động thiết thực, cùng hành động, tôi tin thời điểm Việt Nam trở thành xã hội ‘thượng tôn pháp luật’ sẽ sớm đến thôi.

- Nếu không thể trở thành luật sư tử tế, hãy chọn là người tử tế, đừng làm luật sư - Abraham Lincoln.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - nhân Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam (10/10).