Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt;...
Hỏi:Trong xóm nhà tôi có một em bé 2 tuổi không có cha mẹ. Mẹ ruột của bé ở quê, không có điều kiện nuôi con, nên gửi bé cho dì nuôi từ lúc mới sinh. Tôi đang sống ở TP. Cần Thơ. Tôi có nhà riêng và là chủ hộ. Đề nghị luật sư tư vấn, tôi không nhất thiết phải làm thủ tục nhận bé làm con nuôi, nhưng tôi xin làm người giám hộ cho bé thì có thể cho bé nhập hộ khẩu được không? Điều kiện và thủ tục xin làm người giám hộ là thế nào? Tất nhiên là mẹ và dì của bé rất ủng hộ việc tôi giúp nhập hộ khẩu cho bé để bé đi học dễ dàng. Chỉ vì gia đình họ không có điều kiện đăng ký hộ khẩu cho bé (họ không có nhà riêng và không có hộ khẩu ở Cần Thơ).Tôi muốn cho bé nhập hộ khẩu vào nhà tôi để giúp bé xin vào học trường mầm non công lập dể dàng hơn. Tôi không có quan hệ bà con gì với bé thì có thể cho bé nhập hộ khẩu được không? Tôi không biết phải có điều kiện gì mới có thể nhập hộ khẩu cho bé vào nhà tôi được? (Mai Anh - Cần Thơ)
Luật gia Nguyễn Hồng Ngọc - Tổ tư vấn pháp luật dân sự Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Theo quy định của pháp luật: "1. Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).2. Người được giám hộ bao gồm:a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;b) Người mất năng lực hành vi dân sự. 3. Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và người được quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải có người giám hộ.4. Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định tại khoản 2 Điều 61 hoặc khoản 3 Điều 62 của Bộ luật này". (Điều 58 Bộ luật dân sự 2015)
Như vậy, do gia đình của bé không có điều kiện chăm sóc, giáo dục và họ rất ủng hộ việc anh/chị giúp đỡ bé vì vậy anh/chị có thể làm thủ tục đăng ký việc giám hộ cho bé.
Về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ: "Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ". (Điều 60 Bộ luật dân sự 2015)
Thủ tục xin làm người giám hộ:
Trình tự thực hiện:
- Người yêu cầu đăng ký việc giám hộ nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã nơi cư trú của người giám hộ hoặc nơi có trụ sở của cơ quan, tổ chức đảm nhận giám hộ;
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp bản chính Quyết định công nhận việc giám hộ cho người giám hộ và người cử giám hộ (Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản và ghi rõ tình trạng của tài sản đó, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ. Danh mục tài sản được lập thành 3 bản, một bản lưu tại UBND cấp xã, nơi đăng ký việc giám hộ, một bản giao cho người giám hộ, một bản giao cho người cử giám hộ).
Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai đăng ký việc giám hộ (Mẫu TP/HT-2012-TKGH);
- Giấy cử giám hộ. Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ, thì tất cả phải cùng ký vào Giấy cử giám hộ;
- Danh mục tài sản của người được giám hộ (nếu có).
Như vậy, nếu anh/chị đủ điều kiện làm giám hộ theo quy định tại điều 60 Bộ luật Dân sự thì anh/chị sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ cần thiết và nộp lên UBND cấp xã để tiến hành thủ tục xin làm người giám hộ.
Về nơi cư trú của người được giám hộ: "1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định". (Điều 54Bộ luật dân sự 2015)
Như vậy,trong trường hợp này anh/chị hoàn toàn được nhập hộ khẩu cho bé vào nhà mình.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật dân sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận