Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối...
Hỏi: Tôi có chiếm đất nông nghiệp để trồng cây hoa màu. UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức phạt chính là 03 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất. Nhưng tôi không thực hiện theo quyết định UBND cấp xã, và nay UBND cấp xã đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đề nghị Luật sư tư vấn, cây hoa màu của tôi có được kê biên hay không? UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp này hay không? Quy định thế nào? (Hoàng Trung Kiên - Hòa Bình)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, cây hoa màu trồng trên đất lấn chiếm khi bị xử phạt có được kê biên không
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 nghị định 102/2014/ NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: “5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này”.
Như vậy, đất nông nghiệp này do anh (chị) lấn chiếm để trồng cây hoa màu là hành vi trái pháp luật và anh (chị) buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm vì vậy mà có thể hiểu những cây hoa màu của anh (chị) sẽ bị phá bỏ để trả lại tình trạng ban đầu của đất.
Thứ hai, UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp này không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 nghị định 102/2014/NĐ – CP này về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính: “1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
Theo thông tin anh (chị) cung cấp thì anh (chị) bị xử phạt hành chính với mức phạt là 3 triệu đồng cùng với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất, như vậy trong trường hợp này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định xử phạt.
Về thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 16/2010/TT – BTNMT: “1. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 3 của Thông tư này có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới, bao gồm: a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã); Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); b) Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Mà trường hợp của anh (chị) thuộc trường hợp được quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 3 của Thông tư này: “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm chất lượng đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất”.
Vì vậy, trong trường hợp này Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ thể ra quyết định xử phạt hành chính nên cũng có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính do mình ban hành.
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận