-->

Làm sao để đòi lại số tiền đã gai kết hợp đồng sau khi nghỉ việc?

Sau khi nghỉ việc, nếu người lao động muốn lấy lại số tiền lương của mình, cần đến gặp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên để yêu cầu giải quyết thỏa đáng.

Hỏi: Em có đi làm cho 1 công ty lặn tại Nha Trang, lúc đọc tin tuyển dụng trên internet, em có vào nộp hồ sơ xin việc và được nhận vào làm với giao kèo miệng như sau: lương 4triệu/tháng; chỉ làm việc trên tàu từ 6h sáng đến 2h chiều (8 tiếng), không có tàu được nghỉ, vẫn được trả lương; vì phải ở trọ nên công ty đồng ý cuối tháng hàng tháng sẽ trả lương cho em. Sau khi làm việc được 1 tháng công ty có nêu yêu cầu em làm thêm ở kho 1 ngày thêm 2 tiếng sau khi đi tàu, vì thấy số ngày nghỉ cũng hơi nhiều nên em chấp nhận điều kiện trên. Đến khi làm được 2 tháng 10 ngày em mới nhận thấy công ty có biểu hiện ít khách, ít tàu, lại đòi em phải làm thêm một số công việc không thỏa thuận trước đây. Em không chấp nhận và yêu cầu tăng lương để phù hợp với sức lao động mình bỏ ra thì công ty không đồng ý (công việc bơm bình đòi hỏi sức lao động nhiều). Lúc này em mới không chấp nhận nên đã xin nghỉ. Em hỏi tính toán lương xem bao nhiêu thì nhận được tin tháng trước do số ngày có tàu ít nên phải trừ tiền số ngày nghỉ. Và sau 2 tháng so với số lương ban đầu em có thể nhận thì giờ chỉ còn lại một nửa. Khi em tới nói chuyện với quản lý thì chỉ được nói là tất cả mọi người trong công ty đều như vậy, tại sao em lại khác được. Em rất bức xúc nêu rõ là lúc đầu nhận em vào làm việc công ty có nói rõ giao kèo như trên, tại sao bây giờ lại giải thích 1 cách vô lý như vậy với em vì nếu biết trước là làm kiểu công nhật em đã đi tìm việc khác phù hợp để có thể tự lo cho bản thân khi không có trợ giúp từ gia đình. Em biết là trong công ty không có nhân viên nào có hợp đồng lao động + bảo hiểm theo quy định. Xin hỏi luật sư bây giờ em phải xử lý như thế nào để có thể lấy lại số tiền như lúc ban đầu giao kèo? (Hoàng Thiên - Tp Hồ Chí Minh)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 7 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 7. Quan hệ lao động

1. Quan hệ lao động giữa người lao động hoặc tập thể lao động với người sử dụng lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau."

Mặc dù việc vào công ty làm của bạn không được xác nhận bằng hợp đồng lao động, nhưng giữa bạn và công ty vẫn hình thành nên quan hệ lao động qua việc thỏa thuận miệng giữa hai bên về các điều kiện lao động. Chính vì lẽ đó, khi thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết và ở đây là giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa bạn và công ty.

Theo Điều 200 Bộ luật lao động 2012, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết là hòa giải viên lao động và tóa án nhân dân.

Vì trường hợp của bạn không thuộc Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012 nên tranh chấp này phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết.

Trình tự, thủ tục hòa giải căn cứ theo Khoản 2,3,4 Điều 201 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết."

Cần lưu ý rằng:

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Việc yêu cầu Tòa án giải quyết sẽ tuân theo pháp luật tố tụng dân sự.

Như vậy, nếu bạn muốn lấy lại số tiền lương của mình, bạn cần đến gặp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên để yêu cầu giải quyết thỏa đáng.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.