Trường hợp, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thai sản, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Khách hàng Nguyễn Xuân (Bắc Ninh) đề nghị luật sư tư vấn, về hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thai sản, chế tài đối với người vi phạm.
Nội dung yêu cầu của khách hàng tóm tắt như: Gia đình người bạn thân vừa thông báo, cậu ấy vừa bị công an tạm giữ vì có liên quan tới đường dây làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thai sản. Cậu ấy đã cùng nhóm đối tượng lập hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản sinh con giả, chiếm đoạt tiền của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH). Gia đình hiện đang rất lo lắng, muốn biết trường hợp này, bạn tôi đã vi phạm những quy định gì, có thể bị xử phạt như thế nào?
Tư vấn của Phòng tư vấn pháp luật trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest:
Liên quan đến nội dung anh (chị) hỏi, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn sơ bộ như sau:
Thứ nhất, quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm và hình thức xử phạt đối với trường hợp làm hồ sơ giả để hưởng chế độ thai sản.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật BHXH 2014) quy định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể như sau: “1- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. 2- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 3- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 4- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 5- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật. 6- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động. 7- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 8- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp” (Điều 17).
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thay thế Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, gọi tắt là BLHS 2015, quy định như sau:
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174):
"1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
- Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341):
"1- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Như vậy, việc làm hồ sơ giả để hưởng chế độ thai sản là một hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về trường hợp vi phạm pháp luật của người bạn thân, hiện tại vụ án đang trong quá trình điều tra. chưa có hồ sơ đầy đủ. Do đó, chúng tôi chưa thể đưa ý kiến tư vấn chính xác rằng bạn của anh (chị) đã vi phạm quy định gì và có thể bị xử phạt như thế nào, tuy nhiên chúng tôi đưa ra ví dụ dưới đây để anh (chị) tham khảo.
Thứ ba, ví dụ xử lý hành vi sử dụng giấy tờ, làm giả hồ sơ thai sản để hưởng chế độ của nhà nước.
Nguyễn Thị Phương (33 tuổi, trú tại phố Ngọc Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã câu kết với 13 đối tượng còn lại trong ổ nhóm, lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản sinh con, chiếm đoạt của BHXH huyện Thanh Hà gần 900 triệu đồng và gây thiệt hại cho Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam hơn 200 triệu đồng.
Diễn biến vụ việc tóm tắt: Trong quá trình làm nhiệm vụ, Phương phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý tham gia đóng BHXH và thanh quyết toán chế độ BHXH thai sản, sinh con của Công ty Makalot Việt Nam và BHXH huyện Thanh Hà nên đã nảy ý định chiếm đoạt tài sản. Nghĩ là làm, đối tượng bàn với Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi, kế toán trưởng); Lê Thị Láng (36 tuổi, làm việc tại bộ phận nhân sự, phụ trách báo cáo tăng giảm công nhân lao động và làm sổ BHXH); Giang Thị Thanh Hương (39 tuổi, chủ tịch công đoàn, phụ trách nhân sự, báo cáo tăng, giảm lao động, làm công tác tại BHXH Nhà máy MK1, trực thuộc Công ty Makalot Việt Nam) và NguyễnThị Hương, công nhân Công ty Makalot Việt Nam cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Theo sự thống nhất giữa Phương và các đối tượng trong đường dây thì mỗi người sẽ có trách nhiệm tìm hồ sơ của lao động là nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai, là lao động tự do, không tham gia BHXH ở đâu, lấy giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân của họ, với mục đích lấy thông tin tên, tuổi, địa chỉ, nơi ở để lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia đóng bảo BHXH, bảo hiểm y tế. Sau đó, Phương lập danh sách người lao động để trình lãnh đạo Công ty Makalot Việt Nam ký cho họ tham gia BHXH.
Sau khi Công ty Makalot Việt Nam bỏ tiền đóng BHXH cho những người lao động (từ 06 tháng trở nên) thì sẽ lấy giấy khai sinh con của họ để làm giả giấy khai sinh, photocopy, sau đó đi chứng thực, sử dụng làm hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản. Theo thỏa thuận giữa các đối tượng, số tiền chiếm đoạt được sẽ chia nhau. Phương thống nhất, ai tìm được hồ sơ của người lao động sẽ được trả cho 03 triệu đồng/hồ sơ.
Trước khoản lợi nhuận sẽ được hưởng, Hoa, Láng và Giang Thị Thanh Hương đã đồng ý đi tìm hồ sơ cho Phương. Hoa trực tiếp tìm được 03 hồ sơ của người lao động. Sau đó, thông qua em chồng là Bùi Thị Mơ (SN 1986, ở Thanh Hà, Hải Dương), đã tìm được thêm 06 hồ sơ (Hoa trả cho Mơ 01 triệu đồng/ người).
Để hợp thức hóa 09 bộ hồ sơ do Hoa đưa cho, Giang Thị Thanh Hương đã sử dụng 04 bộ hồ sơ của người lao động trước đó đã làm việc trong Công ty Makalot Việt Nam nhưng khi nghỉ việc, người lao động không rút hồ sơ đưa cho Phương. Số còn lại, Phương trực tiếp đi tìm và thông qua Lê Thị Thơ và Vũ Thị Hường (cán bộ y tế của Công ty Makalot Việt Nam) đã tìm được tổng cộng 36 hồ sơ...
Với 36 bộ hồ sơ này, Phương đã cùng Láng, Giang Thị Thanh Hương thực hiện giả chữ ký người lao động, lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, danh sách người lao động tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế chuyển cho lãnh đạo công ty ký duyệt và đã được BHXH huyện Thanh Hà cấp 36 sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế cho 36 người không tham gia làm việc trong Công ty Makalot Việt Nam.
Để hợp thức hóa, Hoa đã thực hiện mở tài khoản thẻ cá nhân ATM khống cho số lao động trên. Còn Giang Thị Thanh Hương có nhiệm vụ lập khống hồ sơ liên quan đến số người lao động có danh sách đóng BHXH đến nhà máy MK1.
Với những bộ hồ sơ được làm giả một cách tinh vi như trên, Phương đã lập danh sách đề nghị thanh toán tiền trợ cấp thai sản sinh con cho lãnh đạo công ty và các bộ phận liên quan ký đóng dấu và được BHXH huyện Thanh Hà duyệt chi gần 600 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Phòng PC46 Công an tỉnh Hải Dương đã có căn cứ khởi tố 14 đối tượng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài đối tượng chính là người của Công ty Makalot Việt Nam, cơ quan điều tra còn làm rõ vai trò của các đồng phạm cũng như số tiền họ đã chiếm hưởng...
Luật sư Nguyễn
Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng
liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài
tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected]
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội mà Công ty
Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi
viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin
trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này
có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận