Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó và được dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, cần chú ý đến các trường hợp kiểu dáng công nghiệp không được pháp luật bảo hộ. Để giúp các bạn tránh mất thời gian và công sức đáng tiếc, bài viết này sẽ đi tìm hiểu về vấn đề này.
Thứ nhất, kiểu dáng công nghiệp không được bảo hộ nếu không đáp ứng đủ điều kiện của quy định chung
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ quy định tại Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 (sau đây gọi tắt là Luật sở hữu trí tuệ) như sau:
“Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: - 1. Có tính mới.- 2. Có tính sáng tạo. -3. Có khả năng áp dụng công nghiệp.”
Theo quy định trên, kiểu dáng công nghiệp chỉ được pháp luật Việt Nam bảo hộ nếu đáp ứng được 3 điều kiện sau: có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp được quy định chi tiết tại Điều 65, Điều 66, Điều 67 Luật sở hữu trí tuệ
Tính mới thể hiện ở chỗ kiểu dáng đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong hoặc ngoài nước.
Tính sáng tạo thể hiện ở chỗ kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tươngứng. Kiểu dáng đó phải trải qua một quá trình lao động trí óc mới có thể hình thành nên được.
Khả năng áp dụng công nghiệp là việc kiểu dáng công nghiệp đó có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Như vậy, kiểu dáng công nghiệp sẽ không được bảo hộ nếu không đáp ứng được đủ 3 yếu tố được liệt kê như trên.
Thứ hai, những đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 64 Luật sở hữu trí tuệ như sau:
“Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp: - 1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. - 2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp. - 3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm”
Như vậy, có những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp cần phải chú ý. Khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, cần chú ý đến các trường hợp bao gồm:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kĩ thuật bắt buộc phải có. Ví dụ: Không bảo hộ kiểu dáng hình chữ nhật đối với điện thoại di động, hình cầu đối với viên kẹo,…
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp. Theo quy định này thì chỉ những bản vẽ, thiết kế sơ đồ của các công trình xây dựng mới được bảo hộ dưới góc độ của luật quyền tác giả còn hình dáng bên ngoài của chúng thì không được bảo hộ.
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Hình dáng bên trong của sản phẩm, là phần không thể nhìn thấy trong quá trình sử dụng thì sẽ không được bảo hộ.
Thứ ba, pháp luật không bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp được coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức
Do chính sách của nhà nước Việt Nam chỉ công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích công cộng. Điều này được thể hiện rõ ràng tại Khoản 1 Điều 8 Luật sở hữu trí tuệ.
"Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ-1. Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh."
Như vậy, các kiểu dáng công nghiệp được coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội thì sẽ không được bảo hộ.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận