-->

Không đóng BHXH, có được bồi thường không?

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

Hỏi: Hiện tôi đang làm cho công ty D và đang có vấn đề về bảo hiểm. Cụ thể là. tháng x/2014 tôi có ký hợp đồng ngắn hạn 3 tháng (thử việc). Sau đó công ty lại ký tiếp hợp đồng ngắn hạn 6 tháng vào tháng y/2014. Hết 6 tháng này tôi có ký tiếp hợp đồng 1 năm. Vậy là tôi vào công ty từ tháng X/2014 và đến bây giờ là tháng Y/2015, nhưng tôi chỉ được đóng bảo hiểm từ 2015 đến bây giờ. Có nghĩa là công ty không đóng từ tháng X/2014 đến đầu 2015. Họ bảo là vì đó là hợp đồng ngắn hạn nên không được đóng, nhưng khi tôi tìm được luật là công ty không được phép ký liên tiếp 2 hợp đồng ngắn hạn đối với những công việc có tính chất lặp lại và thường xuyên trên 1 năm thì công ty đã có ý muốn bồi thường bằng tiền mặt. Vậy đối với trường hợp của tôi thì sẽ được hoàn lại bao nhiêu tiền? (Đỗ Nhất - Bình Dương)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. 2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. 3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”.

Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động: “1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây: a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên” (Điều 5 BLLĐ).

Do đó, với hành vi ký liên tiếp 2 hợp đồng ngắn hạn với cùng 1 công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên của đơn vị sử dụng lao động, đã vi phạm pháp luật lao động về hình thức và loại hợp đồng lao động. Phía đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính cho hành vi vi phạm của mình. Mức phạt đối với hành vi vi phạm này được quy định rõ theo Điều khoản tại Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động và bảo hiểm.

Thứ hai, về hành vi không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động: “Điều 2. Đối tượng áp dụng: 1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên”.

Kể từ sau khi anh hết thời gian thử việc, bắt đầu làm việc với thời hạn 6 tháng, thì phía anh và người sử dụng có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng phía đơn vị sử dụng lao động, không trích phần lương của anh để đóng vào quỹ BHXH bắt buộc, hành vi này là vi phạm pháp luật về BHXH, có thể mức phạt đối với đơn vị sử dụng lao động lên đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH.

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. 2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. 3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.

Khi đơn vị sử dụng lao động không tham gia đóng BHXH cho anh kể từ thời điểm giữa anh và đơn vị tham gia ký kết hợp đồng lao động với thời hạn trên 3 tháng, thì phía đơn vị ngoài mức phạt hành chính phải chịu cho hành vi vi phạm này, còn bị buộc truy thu số tiền BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp chưa đóng cho anh trong suốt thời gian đó, tính thêm tiền lãi trên số tiền BHXH chưa đóng. Khoản tiền truy thu này sẽ được nộp lại tại Quỹ BHXH bắt buộc cho anh, không được tính là khoản bồi thường. Theo pháp luật, thì không bắt buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu hành vi không đóng BHXH cho người lao động không gây ra thiệt hại, mức bồi thường chỉ tính đến khi có thiệt hại từ hành vi vi phạm đó gây ra cho người lao động.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.