Hành vi không đi khám sức khỏe có thể được xem xét để chứng tỏ một người có trốn tránh nghĩa vụ quân sự hay không. Trường hợp của bạn, không chấp hành lệnh khám sức khỏe thì bạn có thể sẽ bị phạt vi phạm hành chính đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hỏi: Tôi hiện 25 tuổi, đã từng không chấp hành lệnh khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2014 và bị xử phạt hành chính 1triệu, nay tôi lại được nhận lệnh khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho năm 2016 vào tháng 11/2015. Nếu lần này tôi "không chấp hành lệnh khám sức khỏe" lần nữa tôi sẽ bị xử phạt thế nào, phạt hành chính hay là quy ra trách nhiệm hình sự vì đã từng vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe này? (Thu Hằng - Hà Nội)
Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, đối với các hành vi vi phạm mà bạn đưa ra:
Đối với hành vi không chấp hành lệnh điều động khám sức khỏe NVQS:
Theo quy định tại khoản 1 điều 6 nghị định 120/ 2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
“1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng”
Trường hợp vi phạm mà không có lý do chính đáng thì bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 800.000 đồng đến 1.200. 000 đồng.
Trường hợp bạn bị xử phạt hành chính thì bạn sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP:
"Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.
Đối với hành vi không chấp hành lệnh đăng kí NVQS
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này được quy định tại điều 4nghị định 120/2013/ NĐ-CP: “1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này
b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định;
c) Không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định;
d) Không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vào ngạch dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này”
Như vậy đối với hành vi vi phạm này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng và sẽ buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký bổ sung...
Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ:
Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của người đăng ký nghĩa vụ quan sự, có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ.
Quy định tại điều 7 nghị định 120/2013/NĐ-CP. Theo đó mức xử phạt đối với trường hợp này được quy định như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng trong trường hợp không có lý do chính đáng. Và buộc phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định.
Đối với hành vi cuối cùng không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện:
Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của luật nghĩa vụ quan sự phải có nghĩa vụ huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được trương trình huấn luyện
Mức phạt vi phạm đối với hành vi này được quy định tại khoản 1 điều 12 nghị định 120/ 2013/ NĐ-CP
“1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu mà không có lý do chính đáng”
Theo quy định tại khoản 8 điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự 2014:
“8.Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sựlà hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”
Như vậy hành vi không đi khám sức khỏe của bạn không nằm trong hành vi Không chấp hành lệnh điều động khám sức khỏe NVQS như bạn đã nêu. Mà đây là hành vi độc lập, là một trong các căn cứ để xác định có hay không hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Thứ hai, Đối với vấn cuối cùng bạn đưa ra
Hành vi không đi khám sức khỏe có thể được xem xét để chứng tỏ một người có trốn tránh nghĩa vụ quân sự hay không. Trường hợp của bạn, lần này bạn không chấp hành lệnh khám sức khỏe thì bạn có thể sẽ bị phạt vi phạm hành chính một lần nữa đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 259 bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009
“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.”
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận