Gây rối trật tự công cộng là hành vi tập trung đông người gây náo động, đuổi đánh nhau, hò hét, đốt pháo, đập phá các công trình công cộng ở những nơi ăn uống, vui chơi, giải trí,...
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định hành vi gây rối trật tự công cộng cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Gây ra hậu quả nghiêm trọng;
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này;
- Đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm.
Như vậy có thể thấy hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao bao gồm:
- Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
- Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
- Chết người;
- Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
- Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
- Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
- Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...
Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.
Nếu một người có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng đó. Vì một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này khi hành vi gây rối mà chưa đến mức cấu thành một tội phạm cụ thể khác.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected]
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận