Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông, một số điểm khác biệt cần lưu ý

Thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị được quy định rõ ràng trong Luật doanh nghiệp năm 2014.

Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông là hai bộ phận có thẩm quyền riêng biệt mà doanh nghiệp cần phân biệt rõ để áp dụng trong công tác quản trị, điều hành công ty nhằm thực hiện đúng quy định và tránh những sai sót về sau.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị được định nghĩa như sau:
"1- Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần." (Khoản 1, Điều 135).
"1- Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông." (Khoản 1, Điều Điều 149)
Như vậy, trong một số trường hợp như giao kết hợp đồng, giao dịch, thay đổi người đại diện pháp luật của Công ty và một số hoạt động khác, công ty phải xác định rõ thẩm quyền của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Dưới đây là một số tiêu chí chính đánh giá để anh/chị phân biệt được sự khác nhau về thẩm quyền của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông.

Thứ nhất, thẩm quyền trong việc ký kết hợp đồng.

Thẩm quyền ký kết hợp đồng, giao dịch của công ty phụ thuộc vào đối tượng ký kết. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:"1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ; c) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này (tức là thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó hoặc người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp khác)".
Vậy trong trường hợp này để phân biệt được thẩm quyền ký kết các hợp đồng trên thì phải căn cứ vào giá trị của hợp đồng, giao dịch ký kết, cụ thể: "2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty...3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này" (Khoản 2, 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014)
Ngoài ra, điểm h, khoản 2, Điều 149 Luật danh nghiệp năm 2014 quy định đối với Hội đồng quản trị như sau:"h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác."

Thứ hai, thẩm quyền trong việc chào bán cổ phần mới.

Hội đồng quản trị có thẩm quyền trong các trường hợp sau:
"b) Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; c) Quyết định bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác; d) Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty; đ) Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật này". (Điểm b, c, d, đ Khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014)
Đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền trong các trường hợp sau:"b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần; g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại." (Điểm b, g Khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014)

Thứ ba, thẩm quyền trong việc thay đổi đại diện theo pháp luật của công ty.

Hội đồng quản trị có thẩm quyền ký kết thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp nếu việc thay đổi đó không làm thay đổi điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại Điều 25 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền ký kết việc thay đổi đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi đó làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty.
Ngoài ra, một số hoạt động nội bộ của doanh nghiệp phải được Hội đồng quản trị phê duyệt bao gồm: một là, thành lập chi nhánh, công ty con hoặc văn phòng đại diện; hai là, bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác mà điều lệ có quy định.

Tóm lại, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định khá rõ ràng thẩm quyền của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông. Trong quá trình điều hành quản lý doanh nghiệp anh (chị) cần tham thảo kỹ các quy định đã nêu trên để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và tránh được những rủi ro, tranh chấp về sau.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương -trưởng nhóm đăng ký kinh doanh của Công ty Luật TNHH Everest - tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.