Hộ kinh doanh, những đặc điểm pháp lý cần lưu ý (phần 2)

Luật Everest tiếp tục tư vấn cho khách hàng về những đặc điểm pháp lý về tư cách pháp nhân, và cách thức chịu trách nhiệm dưới mọi hoạt động hay rủi ro của hộ kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động.

Phạm vi của đặc điểm pháp lý hộ kinh doanh bao gồm 3 nội dung tiếp theo như sau: kinh doanh ở quy mô nhỏ, tư cách pháp nhân trong hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước toàn bộ tài sản với hoạt động hộ kinh doanh.
 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một là, hộ kinh doanh thường kinh doanh ở quy mô nhỏ.

Đặc điếm này không phải xuất phát từ bản chất của hộ kinh doanh, mà được hình thành dựa trên quan điểm pháp lý của các nhà làm luật. Với mục đích xây dựng mô hình hộ kinh doanh phù hợp với lựa chọn của các đối tượng kinh doanh nhỏ và để thuận lợi cho việc quản lý các quy định của pháp luật đều hướng đến việc khống chế quy mô của hộ kinh doanh. Đây là đặc điểm để phân biệt hộ kinh doanh với các hình thức kinh doanh khác. Nếu như đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, pháp luật không hề có những hạn chế về việc họ dươc sử dụng bao nhiêu lao động, được mở bao nhiêu cơ sở sản xuất kinh doanh... thì đối với hộ kinh doanh lại khác. Có những con sổ cụ thể được đưa ra buộc hộ kinh doanh phải thực hiện. Theo pháp luật hiên hành, một hộ kinh doanh chỉ được sử dụng không quá 10 lao đông và chỉ được đăng kí kinh doanh tại 01 địa điểm. Như vậy, các nhà đầu tư muốn mở rộng quy mô, vượt qua những con số nêu trên thì không được phép hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh nữa mà bắt buộc phải chuyển sang những hình thức kinh doanh khác.

Hai là, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

Ở Việt Nam, pháp luật không đưa ra định nghĩa tư cách pháp nhân là gì, mà chỉ có quy định các điều kiện để một tổ chức có tư cách pháp nhân. Căn cứ vào Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 về "Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Được thành lập theo quy định của pháp luật; (ii) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập"

Đối với hộ kinh doanh có một điều kiện mà xét về bản chất chủ thể này sẽ không đáp ứng được đó chính là sự độc lập về mặt tài chính. Trong hộ kinh doanh không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của hộ và tài sản của các thành viên. Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ sở hữu thì tài sản của hộ kinh doanh cũng là tài sản của chủ hộ và ngược lại. Đối với hộ kinh doanh do một hộ đình hoặc một nhóm người làm chủ, mặc dù có sự góp vốn, tuy kết quả của sự góp vốn đó chỉ là làm hình thành phần tài sản chung một cách đơn giản mà không tạo nên tài sản riêng cho hộ kinh doanh đó, trong quá trình hoạt động các thành viên cũng có thể phải tiếp tục bỏ tài sản riêng của mình vào để duy trì hoạt động của hộ. Do đó về mặt pháp lý, rõ ràng hộ kinh doanh không đáp ứng điều kiện để trở thành pháp nhân.

Ba là, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với hoạt động kinh doanh.

Do không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của Hộ kinh doanh với tài sản của chủ hộ kinh doanh nên trong quá trình hoạt động, các chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu hộ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiêm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ hoặc các nghĩa vụ tài chính khác của hộ.

(i) Đổi với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ: Cá nhân là chủ sở hữu hộ kinh doanh sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của hộ kinh doanh
Nếu có phát sinh các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính mà số tiền đó lớn hơn số vốn kinh doanh của hộ thì chủ hộ không chỉ chịu trách nhiệm bằng phần vốn và tài sản dùng để trực tiếp kinh doanh mà còn phải chịu nghĩa vụ trên phần tài sản thuộc sở hữu của mình cho dù phần tài sản đó không đưa vào kinh doanh.

(ii) Đối với hộ kinh doanh do hộ gia đình hoặc nhóm người làm chủ: do có sự tham gia của nhiều cá nhân nên nghĩa vụ về tài chính sẽ được chia sẻ cho các thành viên trong hộ gia đình hoặc trong nhóm ngươi thuộc hộ kinh doanh. Nghĩa vụ này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: mỗi thành viên trong hộ gia đình hoặc trong nhóm sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh. Cụ thể, nếu số vốn trong hộ kinh doanh không đủ để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính thì phải sử dụng tài sản chung của hộ gia đình hoặc các thành viên phải đóng góp bằng tài sản riêng của mình để trả nợ. Việc góp thêm này sẽ kết thúc khi các khoản nợ của hộ kinh doanh được thanh toán hết. Pháp luật không có quy định về mức vốn góp cụ thể của các thành viên trong trường hợp này, trên thực tế các thành viên có thể chia theo tỷ lệ đồng đều hoặc lệ khác tùy theo thỏa thuận của hộ gia đình hoặc của nhóm với nhau, tuy nhiên trong mọi trường hợp, các thành viên phải có trách nhiệm thanh toán hết các khoản nợ cho chủ nợ. Trường hợp có một trong số các thành viên của hộ gia đình hoặc của nhóm người không có khả năng góp thêm tiền và tài sản để trả nợ theo thỏa thuận thì các thành viên khác có trách nhiệm phải lấy tài sản của mình để tiếp tục trả nợ cho đến khi khoản nợ được thanh toán đầy đủ.

Luật gia Trần Mỹ Hạnh - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp


Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi những ý kiến này có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].