Người là công dân Việt Nam, làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên… thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Hỏi: Sau thời gian thử việc, tôi được nhận vào làm việc tại một công ty với hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, trong HĐLĐ có điều khoản: người lao động phải tự lo bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Đề nghị luật sư tư vấn, điều khoản này có trái luật không, nếu có thì quyền lợi của người lao động sẽ giải quyết như thế nào? (Hương Trần, Nam Định)
Luật sư Nguyễn Thị Quyên - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
- Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định:
“1. HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:… i) BHXH và BHYT” (điểm i khoản 1 Điều 23 BLLĐ).
“1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức BHXH khác đối với người lao động.” (khoản 1 Điều 186 BLLĐ).
“2. HĐLĐ vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng” (khoản 2 Điều 50).
“1. Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau: a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật; b) Các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động” (khoản 1 Điều 52).
- Luật BHXH năm 2006 quy định:
“1. Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: a) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên…” (khoản 1 Điều 2).
“2. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm… doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động” (khoản 2 Điều 2).
HĐLĐ của anh (chị) là hợp đồng có thời hạn 12 tháng. Căn cứ các quy định viện dẫn ở trên, anh (chị) và công ty nơi anh (chị) làm việc thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, việc trong HĐLĐ có điều khoản “tự lo BHXH” là trái quy định pháp luật. Điều khoản này sẽ bị vô hiệu, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật lao động.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận